Khi nói đến việc bảo quản quần áo, chúng ta nghĩ đến việc gấp gọn hoặc treo bằng móc áo bên trong tủ vậy là đã xong. Tuy nhiên, với nhiều loại quần áo, những cách bảo quản này chính là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ sử dụng chúng.
Có những lỗi bảo quản quần áo chúng ta vô tình mắc phải và chưa nhận ra được điều đó. Bởi vậy, những sai lầm khi bảo quản quần áo được các chuyên gia chỉ ra dưới đây là những thông tin mà bạn không thể bỏ qua.
1. Sử dụng sai móc treo quần áo
Đây là lỗi bảo quản quần áo mà không ít chị em mắc phải. Trên thực tế, việc sử dụng sai móc quần áo có thể làm hỏng quần áo của bạn, khiến chúng bị mất form dáng theo thời gian.
Với mỗi chất liệu quần áo hoặc kiểu dáng đều có những loại móc treo riêng. Bạn nên dành chút thời gian tìm hiểu kĩ hơn trước khi lựa chọn mua móc quần áo cho gia đình.
2. Để quần áo trong túi giặt khô
Không ít chị em thường có thói quen treo luôn quần áo sau khi nhận về từ tiệm giặt khô mà không bỏ lớp nilon bọc bên ngoài. Mục đích của bọc ni lông bên ngoài là ngăn chặn bụi bám vào quần áo. Tuy nhiên, nếu cứ duy trì tình trạng đó bên trong một không gian hạn chế như tủ quần áo thì nó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành ẩm, gây nấm mốc hoặc ố vàng. Vì vậy, sau khi nhận được quần áo giặt khô từ tiệm, bạn nên tháo bọc nilon bên ngoài trước khi cất vào bên trong tủ quần áo của mình.
3. Lưu trữ quần áo thiếu tổ chức
Hệ quả của việc lưu trữ quần áo thiếu tổ chức là khiến bạn mất hàng tiếng đồng hồ để tìm thấy được món đồ cần dùng đến. Bạn nên xây dựng một quy tắc sắp xếp quần áo bên trong tủ. Một vài gợi ý để bạn tham khảo như sắp xếp theo độ dày, theo thiết kế từ dài đến ngắn hoặc chi tiết hơn là bạn có thể làm biển tên cho từng khu vực lưu trữ.
4. Treo nhầm quần áo
Đây cũng là một sai lầm trong cách bảo quản quần áo mà nhiều chị em mắc phải làm giảm đi chất lượng của chúng. Bạn cần biết rằng, không phải loại quần áo nào cũng có thể treo trên móc áo, đặc biệt là chất liệu dệt kim và áo len. Chúng nên được gấp gọn và đặt trong những ngăn tủ. Trái lại, quần áo được làm từ chất liệu như sa tanh, lụa nên được treo để tránh bị nhăn.
5. Ngăn kéo quá chật
Số lượng quần áo quá lớn khiến bạn phải nhồi nhét chúng bên trong ngăn kéo có hạn của mình. Hệ quả là, quần áo bị hình thành những vệt ép mờ do bị dùng lực nhồi nhét vào một không gian quá chật. Theo thời gian, do không khí lưu thông kém bên trong ngăn tủ có thể tạo ra mùi hôi khó chịu.
Để tránh tình trạng này, bạn nên có kế hoạch thường xuyên sắp xếp lại quần áo, loại bỏ những bộ quần áo đã không còn dùng đến trong một thời gian dài. Đồng thời, bạn cũng nên xem xét lại kế hoạch mua sắm quần áo mới phù hợp tránh gây lãng phí.
6. Gấp quần áo không đúng cách
Gấp quần áo không đúng cách có thể tạo vệt và làm giảm giá trị thẩm mỹ của những bộ quần áo. Tuy nhiên, đây lại là một lỗi bảo quản quần áo mà có không ít người mắc phải.
Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những clip dạy gấp quần áo trên mạng. Hãy dành một chút thời gian để tham khảo, chỉ cần qua vài ba lần áp dụng là bạn sẽ cảm thấy quen tay và hình thành thói quen gấp quần áo đúng cách.
7. Không dọn dẹp tủ quần áo
Chúng ta thường lên kế hoạch làm sạch ngôi nhà của mình vào những dịp cuối tuần. Song dường như hiếm khi việc làm sạch tủ quần áo có tên trong danh sách đó.
Việc làm sạch tủ quần áo là điều cần thiết nếu bạn muốn quần áo luôn được thơm tho và có thể sử dụng nó trong lâu dài. Bên cạnh đó, việc làm sạch tủ quần áo cũng giúp ngăn ngừa sâu bọ làm tổ và gặm nhấm quần áo của bạn.
8. Sử dụng hộp đựng quần áo sai kích thước
Có nhiều loại quần áo mà bạn không thể tìm thấy được một loại hộp hay giỏ đựng phù hợp. Lúc này, bạn không nên nhồi nhét chúng vào bên trong những chiếc hộp quá nhỏ. Thay vào đó, bạn có thể chia không gian lưu trữ thành các kệ nhỏ và lưu trữ những bộ quần áo có kích thước quá khổ bên trong.
9. Giữ quá nhiều quần áo
Nhiều chị em có thói quen giữ quá nhiều quần áo bên trong tủ mà không hề có kế hoạch loại bỏ. Điều này vừa khiến bạn gặp khó khăn trong việc sắp xếp quần áo vừa ảnh hưởng đến chất lượng của chúng.
Những bộ quần áo đã lỗi mốt, kích thước không còn vừa hoặc những bộ quần áo treo vài năm trong tủ mà bạn vẫn chưa mặc một lần nên được loại bỏ ra khỏi tủ quần áo. Không khí bên trong tủ cần được lưu thông để tạo môi trường bảo quản quần áo tốt nhất. Đồng thời, việc nhìn vào bên trong tủ quần áo được sắp xếp gọn gàng có những khoảng trống nhỏ sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn.