Bước vào tuổi đi học, bé có rất nhiều bài tập được giao về nhà, từ các bài tính đến bài tập viết, tập làm văn… Yêu cầu đầu tiên khi nộp bài chính là cô giáo có thể đọc được chữ viết của bé. Mặc dù số lượng công nghệ điện tử được áp dụng trong lớp học ngày càng nhiều nhưng bé vẫn cần phải viết tay trong hầu hết thời gian học tập. Các giáo viên cho rằng khả năng viết tốt rất quan trọng và giúp ích cải thiện khả năng giao tiếp. Trong thực tế, chưa đến một nửa các giáo viên từ lớp 1 đến lớp 3 cho rằng học sinh của họ viết tay đủ tốt để theo kịp yêu cầu trong lớp.
Nếu bé gặp khó khăn trong việc viết những gì bé nghĩ, bé nói thành chữ trên giấy, bé sẽ khó có thể tập trung vào những gì muốn nói. Chuyển qua dùng máy vi tính không phải là cách để giải quyết vấn đề. Thực tế, các nhà nghiên cứu cho thấy rằng các bé sẽ có nhiều ý tưởng khi viết tay hơn là khi đánh máy. Một số lượng nhỏ các bé khó viết là do mắc chứng khó đọc, khó ghép chữ và hầu như không thể hoàn thành các bài tập viết.
Tuy nhiên, đó chỉ là số ít. Hầu hết các bé gặp khó khăn trong viết chữ là do chưa dành đủ thời gian luyện tập. Mẹ có thể giúp bé ở nhà bằng những cách đơn giản như sau:
Mực vô hình
Chơi trò chơi “Mực vô hình” với bé. Mẹ viết những chữ và từ đơn giản lên lưng bé và cho bé đoán xem mẹ đang viết gì. Sau đó, mẹ có thể đổi lại để bé viết lên lưng mẹ. Tập trung vào các chữ cái mà bé gặp khó khăn nhất. Theo nghiên cứu của trường đại học Vanderbilt (Mỹ), các chữ k, n, q, u chiếm gần 50% lỗi các bé mắc phải khi tập viết các chữ này dưới dạng chữ thường (không phải chữ in hoa).
Dùng kẹp giữ
Nếu bé không giữ được bút một cách chính xác, bé sẽ cảm thấy dễ nản và mệt mỏi khi phải viết chữ. Mẹ có thể kiếm các loại kẹp bằng cao su giúp bé cầm bút không bị trượt hoặc cột dây thun quanh bút để bé cầm vào.
Chơi trò chơi khuyến khích bé tập viết. Mẹ có thể nói bé tưởng tượng mình là phục vụ bàn và ghi lại các yêu cầu khi mẹ - khách hàng - gọi món. Hoặc cho bé mặc đồ đẹp, đóng vai ca sĩ nổi tiếng và xin chữ ký tay của bé. Nhất định bé sẽ cảm thấy rất thích thú cầm bút và tập viết khi tham gia các trò chơi của mẹ.
Trang trí chữ
Mẹ có thể vẽ hoặc in hình một chữ cái trơn trên giấy và cho bé trang trí chữ cái đó với bút màu các loại. Trong khi bé tô vẽ chữ cái đó thành hình cầu vồng, con bướm,… bé cũng sẽ ghi nhớ hình dáng và cách viết chữ đó một cách tự nhiên.
Sáng tạo nghệ thuật bên ngoài
Sử dụng sân, vỉa hè để làm giấy vẽ cho bé. Với phấn màu các loại mà mẹ cung cấp, bé sẽ thỏa sức sáng tạo trong khi tập quen với việc cầm bút. Gợi ý cho bé viết các chữ cái thật lớn để có thể thấy được từ xa cũng như những chữ thật nhỏ viết riêng cho các bạn kiến. Bằng cách này, mẹ sẽ lôi kéo bé tham gia vào trò chơi viết chữ đầy thú vị chứ không khô cứng như ở trường.
Viết thư
Với một cuốn sổ nhỏ, mẹ giúp bé viết lại những gì đã diễn ra trong ngày. Sau đó gửi đến người thân mà bé biết như ông bà, chú dì,… Khi nhận lại được một bức thư hồi âm dành cho mình, bé sẽ hào hứng viết tiếp các bức thư khác.
Chơi trò chọn thăm
Duy trì hoạt động gia đình vào một tối cuối tuần. Mẹ chuẩn bị 1 chiếc lọ đựng thăm. Hãy cho bé thỏa sức viết các hoạt động bé thích vào các lá thăm, ví dụ như chơi trò chơi, xem phim, làm bánh, chơi xếp hình,… Sau đó, mỗi dịp cuối tuần rút một thăm. Khi chiếc lọ đựng vơi đi, bé sẽ tiếp tục viết các lá thăm khác.
Ghi chú yêu thương
Mẹ để các lời nhắn nhỏ cho bé, trên gối, trên tường,… Với mỗi lời nhắn, hãy viết một câu hỏi nho nhỏ và nhờ bé viết câu trả lời và đặt ghi chú ở một vị trí làm mẹ phải ngạc nhiên.
Thư ký của mẹ
Tập cho bé thói quen viết dùm mẹ một số thứ như danh sách mua đồ dùng gia đình, lịch nhắc nhở trong gia đình,…
Cơ hội ở mọi nơi
Mẹ tạo điều kiện cho bé có dịp viết những điều mình thích bằng cách để các bút viết, giấy ghi chú ở nhiều chỗ trong nhà.
Tất cả các bài tập, trò chơi ở trên nhằm giúp bé có cơ hội luyện tập viết chữ càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, mẹ có thể nghĩ ra những trò chơi, cách thức khác giúp bé thường xuyên tập viết. Càng luyện tập nhiều, bé sẽ càng viết tốt hơn, tự tin hơn và có được kết quả học tập như mong muốn.