1. Mẹ bầu hông to dễ sinh con
Nhiều mẹ bầu thường quan niệm rằng, những ai hông to thì dễ sinh con. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Trên thực tế, kích thước của xương chậu không liên quan gì đến kích thước của đường dẫn sinh. Yếu tố quyết định cho việc dễ sinh nở là hình dáng và kích thước lỗ tròn ở giữa xương chậu. Nó được gọi là eo trên và có thể giống nhau dù phụ nữ có hông lớn hay nhỏ.
2. Đoán giới tính của thai nhi qua hình dáng kích thước của bụng
Theo các bác sĩ, quan niệm này là sai lầm, không có cơ sở khoa học. Hình dáng và kích thước của bụng bầu phụ thuộc vào kích thước của thai nhi và vị trí của thai nhi trong tử cung.
3. Siêu âm không an toàn cho thai nhi
Nhiều mẹ bầu có suy nghĩ rằng, siêu âm không an toàn cho thai nhi vì có tia bức xạ. Với quan điểm đó, không ít bà mẹ không đi siêu âm, cuối cùng lại xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Thực tế, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy siêu âm trước khi sinh gây hại cho mẹ và thai nhi. Siêu âm chỉ sử dụng sóng âm thanh tần số cao quét qua thai nhi để tạo ra hình ảnh. Cường độ của những con sóng này rất thấp và được thực hiện khá nhanh. Việc siêu âm định kỳ còn giúp cho bác sĩ theo dõi được sức khỏe của em bé, đồng thời phần nào phát hiện những dị tật bẩm sinh nếu có.
4. Không nên chạy bộ khi mang thai
Điều này sẽ đúng với những mẹ có tiền sử sảy thai hoặc có nguy cơ sảy thai. Còn đối với những mẹ bầu bình thường, chị em hoàn toàn có thể chạy bộ nhẹ nhàng. Sự vận động tích cực này sẽ có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
5. Ốm nghén chỉ xảy ra vào buổi sáng
Ốm nghén là triệu chứng thường gặp nhất khi mang thai và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, không phải chỉ vào buổi sáng. Trong phần lớn các trường hợp, ốm nghén sẽ biến mất sau tam cá nguyệt đầu tiên, nhưng có tới 20% phụ nữ mang thai vẫn bị ốm nghén cho đến khi sinh.
6. Dơ tay cao quá đầu sẽ siết cổ thai nhi
Đây là 1 lời đồn phản khoa học và khá buồn cười. Không ít mẹ bầu lại tin vào điều đó và không dám vận động mạnh. Thực tế những chuyển động của mẹ không ảnh hưởng đến dây rốn. Việc con bị dây rốn quấn cổ có thể là do bé quá tinh nghịch, hoặc do mẹ phải làm lụng quá cực nhọc, vất vả. Vì vậy mẹ bầu hãy chú ý trong thai kỳ chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tránh quá sức. Khi mệt mỏi hãy dành thời gian nghỉ ngơi và nhờ mọi người trong gia đình giúp đỡ những việc lặt vặt.
Theo các bác sĩ, mẹ bầu bị dư ối hoặc đa ối sẽ tăng khả năng thai nhi bị dây rốn quấn cổ, nhất là trong những tháng cuối thai kỳ. Chính vì thế mẹ nên khám định kỳ để theo dõi chính xác nhất sức khỏe của thai nhi nhé.
7. Mẹ bầu ăn nhiều vì ăn cho 2 người
"Ăn cho hai người" là quan niệm sai lầm trong dinh dưỡng cho bà bầu vì khi ăn quá nhiều, chị em dễ bị tăng cân nhanh chóng. Các chuyên gia khuyến cáo những bà mẹ tăng cân quá nhiều trong thời kỳ bầu bí thì có nguy cơ béo phì về sau cao gấp 4 lần so với những người khác. Ngoài ra, làm gia tăng các nguy cơ mắc bệnh khác như tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ, vô sinh, trầm cảm và một vài dạng ung thư khác nữa.
8. Sinh mổ ít đau hơn sinh thường
Nhiều phụ nữ mang thai thích sinh mổ hơn sinh thường, dù không có bất cứ lý do nào liên quan đến y khoa. Nguyên nhân là do nhiều mẹ bầu cho rằng sinh mổ ít đau đớn và an toàn hơn. Thực tế cho thấy, sinh mổ cũng rất đau nhưng không giống với sinh thường, cơn đau của sinh mổ sẽ xuất hiện sau khi em bé được sinh ra. Ngoài ra, sinh mổ còn có thể dẫn đến các biến chứng trong tương lai. Vì vậy, thai phụ chỉ nên sinh mổ khi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé không đảm bảo để sinh thường.
9. Nhịn ăn khi ốm nghén
Nhiều mẹ bầu nghĩ rằng, nhịn ăn sẽ khiến tình trạng ốm nghén, nôn ọe giảm đi. Tuy nhiên điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, có thể khiến mẹ suy kiệt và thai nhi chậm phát triển.
Để giảm tình trạng ốm nghén, thay vì nhịn ăn, mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn và thay đổi cách chế biến thực phẩm.