Nhà bếp là nơi để chế biến món ăn, thế nhưng, nếu không chú ý thì rất có thể những thói quen bạn vẫn làm trong bếp lại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Một số thói quen hại có trong nhà bếp chị em nên thay đổi để đảm bảo sức khỏe hơn:
1. Không quan tâm bồn rửa bị rò rỉ
Chúng ta thường không chú ý nhiều đến những vết rò rỉ, đặc biệt là dưới bồn rửa trong nhà bếp. Thói quen này vô tình khiến gián làm tổ trong nhà bếp của bạn.
Gián là côn trùng nổi tiếng với việc lây lan nhiều mầm bệnh, khiến bạn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy. Tin tốt là gián không thể sống sót hơn 1 tuần nếu không có nước. Vì vậy hãy sửa tất cả những chỗ rò rỉ nước để ngăn chặn chúng đến sinh sôi.
2. Đặt đồ ăn nhẹ không lành mạnh trong tầm mắt
Bất cứ khi nào thấy đói, bạn sẽ lao vào bếp và có xu hướng chọn những món ăn ngon, tiện lợi nhưng thường không tốt cho sức khỏe. Nguyên nhân bởi chúng đang trong tầm mắt của bạn.
Để tránh thói quen ăn vặt không lành mạnh, bạn nên sắp xếp lại tất cả những món bánh quy, khoai tây chiên… ở nơi khuất tầm mắt hoặc bạn không thể với tới dễ dàng. Thay vào đó nên đặt trái cây khô, các loại hạt, thanh protein… ở kệ ngang tầm mắt, dễ thấy.
3. Không thường xuyên vệ sinh khay máy rửa bát
Không vệ sinh khay máy rửa bát thường xuyên có thể khiến vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Nếu không muốn đồ dùng bị nhiễm bẩn khi rửa, bạn nên giặt rửa chúng thường xuyên. Ngoài ra, bạn cũng nên thay chúng vài tháng mỗi lần.
4. Sử dụng chảo chống dính trong nhiều năm
Bạn đang sử dụng chảo chống dính hơn 3 năm rồi? Vậy thì tốt nhất hãy nói lời tạm biệt chúng! Nhiều người cho rằng, chảo chống dính không để chiên rán thì có thể dùng xào nấu các món khác.
Tuy nhiên, theo thời gian, những chiếc chảo này bị sứt mẻ. Những mảnh vụn nhỏ của chảo sẽ dính vào thức ăn trong quá trình nấu nướng, lâu dần gây bệnh.
5. Không đóng chặt nắp hộp đựng thức ăn
Sự vội vàng trong nhà bếp đôi khi khiến bạn không đóng chặt nắp hộp sau khi lấy thực phẩm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho kiến và nhiều loại côn trùng khác tìm đến nhà bếp của bạn. Nếu không muốn điều này xảy ra, hãy dành thêm vài giây đậy nắp đúng cách trước khi cất hộp đựng trong tủ bếp.
6. Sử dụng một chiếc thớt cho mọi loại thực phẩm
Hầu hết ai cũng đều mắc phải lỗi này. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyên không nên sử dụng cùng một chiếc thớt để thái thịt và rau. Thịt và rau cần dùng thớt riêng, thịt sống và thịt chín cũng cần dùng thớt riêng… Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm chéo.
7. Nấu ăn ở nhiệt độ cao
Nhiều người cho rằng, nấu ăn với nhiệt độ cao sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian vì làm giảm thời gian nấu nướng. Thực tế, thói quen này làm mất đi hương vị thức ăn, làm cháy thức ăn. Ăn đồ ăn bị cháy tiềm ẩn nguy cơ ung thư.
Tốt nhất, bạn nên nấu ăn ở mức lửa thấp hoặc trung bình sẽ giúp món ăn ngon và an toàn sức khỏe.
8. Không làm sạch giẻ lau bếp
Bạn thường xuyên lau chùi nhà bếp bằng những tấm giẻ, bọt biển… để tránh vết bẩn và vi khuẩn sinh sôi. Tuy nhiên, bạn lại không làm sạch dụng cụ này đúng cách thì chỉ giải quyết khâu hình thức.
Tốt nhất nên sử dụng chất khử trùng không độc hại để làm sạch chúng vào thời điểm trước, sau khi lau bếp xong.
9. Không thường xuyên thay miếng bọt biển rửa bát đũa
Bọt biển thường là nơi sinh sản của vi trùng, đó là lý do tại sao bạn nên thay nó ít nhất mỗi tháng.
Một nghiên cứu từ năm 2017 cho thấy, bọt biển có thể mang tới 362 loại vi khuẩn, bao gồm cả phân! Nếu bạn không có máy rửa bát và đang sử dụng miếng bọt biển thường xuyên, hãy thay sau mỗi 2 tuần để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
(Nguồn: Health, Times of India)