9 tuổi đã bị lạc nội mạc tử cung, không thể cười hay cử động

Chelsea Timandi - thiếu nữ 17 tuổi liên tục bị hành kinh suốt 3 năm qua. Máu chỉ ngừng chảy trong tháng vừa rồi bởi Chelsea bắt đầu dùng một loại thuốc giúp kích hoạt giai đoạn mãn kinh nhân tạo.

Ngay từ năm 9 tuổi, cô gái trẻ ở Queensland đã biết những cơn đau như đau đẻ. Đây là một tác dụng phụ của bệnh lạc nội mạc tử cung mà Chelsea mắc phải.

"Khi 9 tuổi, tôi bị đau khung chậu dữ dội, vùng quanh hông và đùi. Đôi khi, cơn đau chạy thẳng xuống mắt cá chân", Chelsea chia sẻ. 

Năm 12 tuổi, Chelsea cùng gia đình du lịch châu Âu và cả 4 tuần vi vu đó, Chelsea đều bị ra máu. Mẹ cô bé biết rằng như vậy không hề bình thường.

Thời điểm đó, Chelsea thậm chí không thể cười hay cử động. Gia đình nghĩ rằng đó là do ruột thừa nhưng khi trở lại Australia, họ phát hiện một căn bệnh mãn tính.

"Bác sĩ của tôi rất bối rối và liên tục hỏi tôi đã quan hệ tình dục chưa. Tôi 12 tuổi và thậm chí còn chưa biết đó là gì. Tôi nghĩ, chắc cô ấy cho rằng tôi bị bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Một bác sĩ chuyên về sức khỏe nữ giới khác thì cho rằng, có thể tôi bị lạc nội mạc tử cung nhưng cô ấy cũng không đề nghị tiến hành soi ổ bụng. Vậy là phải tới 3 năm sau, tôi mới được chỉ định soi ổ bụng".

Khi rốt cuộc cũng nhận được chẩn đoán chính thức vào năm 15 tuổi, bên cạnh đó là sự phát hiện chứng lạc nội mạc trong cơ tử cung Adenomyosis - thủ phạm thực sự cho những gì mà Chelsea phải đối mặt.

Và những gì mà cô bé này phải chịu đựng là "cả cơ thể đau ngực, đôi khi có cảm giác ai đó đang băm nát đùi. Thậm chí, cô bé còn mệt mỏi khủng khiếp, phải ngủ 12 giờ/đêm và vài giờ chợp mắt nữa trong ngày mới đủ sức vượt qua.

Cuộc sống của Chelsea cũng bị đảo lộn. Có lúc cô phải nghỉ liền 6 tuần do quá đau và phần lớn thời gian phải dùng thuốc giảm đau. Cô bé cũng phải bỏ việc làm thêm vì không thể chịu đựng được cơn đau trong suốt một ca làm dài 3 tiếng.

Tuy nhiên, không có thuốc chữa cho những căn bệnh thay đổi cả cuộc đời mà Chelsea mắc phải

Cũng chính vì còn quá trẻ - mới 17 tuổi - mà nhiều người nghi ngờ Chelsea không thực sự bị "bệnh". Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy.

lac-noi-mac-tu-cung-6

Để đối phó với căn bệnh này, cô đã thử 20 loại thuốc tránh thai khác nhau, cả que cấy tránh thai, vòng tránh thai và giờ đây, cô đang dùng một loại thuốc kích hoạt giai đoạn mãn kinh nhân tạo. Tác dụng phụ của thuốc thật kinh khủng vì nó khiến cô già đi, phải đối mặt nguy cơ bị loãng xương bởi xương bị mỏng dần đi. Nhưng Chelsea vẫn rất hi vọng sau tất cả, liệu pháp này sẽ giúp cô vẫn có con.

Do tình trạng ra máu không ngừng nghỉ suốt 3 năm khiến Chelsea bị thiếu máu "rất nhiều lần" và phải dùng viên sắt cũng như các viên thuốc hormone khác.

Lạc nội mạc tử cung và lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh xảy ra khi lớp lót bên trong tử cung, gọi là nội mạc tử cung, xuất hiện ở những vị trí khác như ống dẫn trứng, buồng trứng hoặc dọc theo khung chậu.

Khi lớp nội mạc này bong ra, như lớp nội mạc thông thường trong tử cung sản sinh ra kinh nguyệt, chúng không có chỗ nào để đi. Từ đó, dẫn tới sự hiện diện của các u nang, các chu kỳ kinh nguyệt ra nhiều máu, cơn đau co thắt bụng nghiêm trọng và thậm chí nguy cơ vô sinh.

Lạc nội mạc trong cơ tử cung là chứng bệnh mà nội mạc tử cung xuyên qua bức tường cơ của tử cung - gọi là cơ tử cung.

Nó có thể gây các cơn đau co thắt như đau bụng kinh, áp lực đè lên bụng dưới, tình trạng đầy hơi trước chu kỳ kinh nguyệt và có thể dẫn tới chảy máu nhiều khi "đến tháng".

Nghiên cứu về biện pháp điều trị lạc nội mạc tử cung

Giáo sư Grant Montgomery và nhóm của mình tại Viện Sinh học Phân tử - Đại học Queensland đang giữ vai trò tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh lạc nội mạc tử cung ở Australia.

Hiện tại, nghiên cứu của Giáo sư Grant đã xác định được một số yếu tố nguy cơ thuộc về di truyền liên quan tới lạc nội mạc tử cung. Các nhà khoa học cũng đang xem xét những cách thức các nghiên cứu hệ gen trước đây trong bệnh ung thư có thể áp dụng trong bệnh lạc nội mạc tử cung để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Theo DailyMail