Theo thông tin từ tổ chức Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo đã phối hợp công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023, người Việt Nam bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng lên tới 16 tỷ USD, chiếm gần ⅓ so với tổng số tiền cả thế giới bị lừa đảo chiếm đoạt là 53 tỷ USD.

Đây là một thông tin khiến nhiều người dân Việt Nam hết sức ngỡ ngàng, đồng thời cũng báo động vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang ngày một gia tăng, với nhiều chiêu trò thủ đoạn tinh vi đang bủa vây người dân, bất chấp những nỗ lực ngăn cản của các cơ quan, tổ chức.

Điều đáng nói, trong số các nạn nhân bị dính bẫy lừa đảo qua không gian mạng ở Việt Nam, lại có tới 90% nạn nhân là phụ nữ.

90% nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng là phụ nữ - Ảnh 1.

Nhan nhản bẫy lừa trên mạng xã hội nhắm vào phụ nữ

Theo thông tin từ Hội thảo do Bộ Công an phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đồng tổ chức, cho thấy: Cứ 10 nạn nhân lừa đảo trực tuyến thì có 9 người là phụ nữ. Chỉ trong quý III năm nay, 790 vụ lừa đảo trên mạng đã được phát hiện. 1/4 số vụ truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Lý giải về những nguyên nhân khiến nạn nhân sập bẫy lừa đảo chủ yếu là nữ giới, bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam cho biết: 

"Không chỉ ở Việt Nam, ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ luôn là những người yếu thế. Họ nhạy cảm, tự ti, cả tin và cũng dễ bị đe dọa. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng khi phụ nữ gặp nguy hiểm hay bị lừa đảo, họ rất ngại đứng ra tố cáo vì sợ gặp phải những đánh giá không hay về mình".

Ông Philip Hùng Cao cho biết Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo đã phối hợp công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023, chia sẻ: 

"Việc Người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng với con số lên tới 16 tỷ USD trong tổng số 53 tỉ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng”.

Chia sẻ với Báo PNVN, ông Trần Uy Phương, chuyên gia IT ở Cầu Giấy, Hà Nội, cho hay: 

“Với con số 90 % nạn nhân bị lừa đảo qua không gian mạng, cho thấy có thể là do phụ nữ nhẹ dạ, dễ tin vào những thông tin mà các đối tượng lừa đảo đã giăng ra. Có những thông tin lừa đảo tung lên trên mạng xã hội một cách rất đơn giản, rất dễ nhận ra đó là hình thức lừa đảo, nhưng lại vẫn có nhiều chị em sập bẫy. 

Tôi lấy thí dụ việc tung tin việc nhẹ lương cao, việc làm tại nhà, thậm chí là lừa đảo tình cảm, sau đó dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền qua tài khoản, trong khi họ chỉ biết đối tượng giao tiếp với mình qua màn hình điện thoại, nhưng họ vẫn có thể tin, thậm chí là tin tưởng đến mức ai ngăn cản cũng không nghe, nhất quyết làm theo những gì các đối tượng lừa đảo hướng dẫn. 

Đến khi bị lừa mất hết tài sản, họ mới ngộ ra là mình bị lừa thì lại mang tâm lý e ngại không dám nói ra với người thân, hoặc đến trình báo cơ quan chức năng”.

90% nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng là phụ nữ - Ảnh 2.

"Việc nhẹ lương cao" là cái bẫy lừa đảo khiến nhiều phụ nữ sập bẫy lừa đảo trên không gian mạng

Trên thực tế, đã có nhiều nạn nhân thoát bẫy lừa đảo khi họ ra Ngân hàng thực hiện việc chuyển tiền theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, một số nhân viên ngân hàng đã kịp thời ngăn cản và trình báo cơ quan chức năng, nên những nạn nhân này đã gặp may mắn ở phút trót mà thoát nạn.

Theo các chuyên gia về phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, thì tỷ suất lợi nhuận từ lừa đảo trên mạng lên tới 2.500% trong năm qua, và dự đoán năm 2024 tỉ suất lợi nhuận càng tăng hơn nữa. 

Vì vậy, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ nắm bắt những thông tin, chiêu trò của các đối tượng lừa đảo để tránh rơi vào những cái bẫy nguy hiểm này.

Bộ Công an Cảnh báo về 24 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, gồm:

- Combo du lịch giá rẻ: Các cuộc gọi mời đến dự giới thiệu về khu nghỉ dưỡng và tặng miễn phí vé đi nghỉ; mời mua các gói du lịch có thể đi được nhiều nơi, dễ dàng, tiêu chuẩn cao với mức giá đóng trước rất hời...

-Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deep Voice: Dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền...

- Lừa đảo là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cảnh báo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao.

- Lừa đảo giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu...

- Lừa đảo tuyển người mẫu nhí; Nhờ bình chọn cho cháu, người quen tham gia một cuộc thi nào đó...

- Lừa đảo giả danh các công ty tài chính, ngân hàng thay mật khẩu, cho vay lãi suất cao...

- Lừa đảo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án...nói người nhà "vô tình" liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh...

- Lừa đảo giả mạo biên lai chuyển tiền thành công - với các dịch vụ mua hàng trực tuyến...

- Lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm...

- Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận

- Lừa đảo tuyển cộng tác viên online cho các dịch vụ đa cấp rất đơn giản, ví dụ như: chỉ cần nghe/click vào 1 số nội dung trên youtube, tik-tok theo link gửi sẵn sẽ có thu nhập 200.000 -300.000 đồng/ngày

- Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi xin lấy lại tiền...hoặc lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.

- Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook, tăng like trên Facebook

- Lừa đảo tình cảm, làm quen, rồi dẫn dụ đầu tư tài chính

- Lừa đảo có người gửi bưu kiện, hoặc trúng thưởng, hoặc có khoản tiền ngoại tệ chuyển đến... cần có tiền ứng trước để lấy ra

- Lừa đảo cho số đánh đề/mua xổ số trăm phát trăm trúng

- Lừa đảo rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử...

- Lừa đảo gửi link nội dung hấp dẫn về vụ việc giật gân, hoặc có nội dung nhạy cảm sẽ xóa ngay sau vài phút để cài cắm các ứng dụng ăn cắp thông tin cá nhân sử dụng cho mục đích chiếm đoạt tài sản, cài link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen...

Ngoài ra còn là các hình thức lừa đảo: SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo "bẩn" trên Facebook ...