Bước ra vùng an toàn, dấn thân vào những chuyến đi
Lê Hồ Uy Di (31 tuổi, TP. HCM) hiện đang làm việc ở vị trí marketing manager, ngoài ra cô còn được biết đến là một travel blogger. Trước kia, Uy Di làm việc trong lĩnh vực khác nhưng sau một thời gian rất dài, cô cảm thấy không thể tạo ra thêm bất cứ giá trị gì có thể khiến bản thân thỏa mãn. Vốn là người thích những thứ mới mẻ, yêu thiên nhiên nên Lê Hồ Uy Di quyết định dấn thân vào những chuyến đi.
Bước chân khỏi vùng an toàn, khi bắt đầu làm một travel blogger, Lê Hồ Uy Di cho biết cô gặp một chút khó khăn. Bởi cô nhận ra rằng, đi du lịch không phải chỉ là đến một điểm đến và chụp ảnh checkin. “Đi du lịch còn là tìm hiểu về con người, văn hoá là thiên nhiên, địa lý, lịch sử. Nó giống như 1 "hệ sinh thái" tri thức vậy đó. Và nếu mình không tìm hiểu kỹ, mình sẽ bỏ qua rất nhiều cái hay ho của mảnh đất mà mình đặt chân đến”, Lê Hồ Uy Di chia sẻ.
Uy Di cho biết, dấn thân vào những chuyến đi, cô mới mới nhận ra được rằng mình thiếu hiểu biết và nhỏ bé đến như thế nào. Từ ngày đi du lịch nhiều, cuộc sống của cô thay đổi tích cực hơn.
Cô chia sẻ: “Nhân sinh quan, tư duy của mình thay đổi và trưởng thành qua những chuyến đi. Mình thấy mình trẻ trung ra nhiều. Và mục tiêu khi đi du lịch của mình là mang những nét đẹp của văn hoá, con người, cách đẹp Việt Nam cho nhiều người biết. Từ việc khám phá những hoạt động du lịch thú vị hơn có thể khai thác ở vùng đó, từ đó có thể nâng cao thu nhập của người dân địa phương”.
Sau đó, Lê Hồ Uy Di bắt đầu thử sức với những chuyến đi mạo hiểm mới. Cô cho biết, đi du lịch là động lực để bản thân không ngừng kiếm tiền để khám phá những vùng đất mới hơn nữa.
Không ngại những chuyến đi mạo hiểm
Trên hành trình xê dịch của mình, Lê Hồ Uy Di không ngại tham gia những chuyến đi mạo hiểm để thử thách bản thân như chuyến đi đến miền Đông Java, Indonesia và hành trình chinh phục Everest Base Camp (EBC).
Uy Di kể lại, chuyến đi đến miền Đông Java, Indonesia, khám phá núi lửa Bromo và và hồ axit Ijen - hồ axit lớn nhất là chuyến đi nguy hiểm, khó khăn về mặt sức khỏe đối với cô. Cô chia sẻ: “Khi đến hồ axit thuộc dãy núi lửa Ijen, mọi người đến muốn chiêm ngưỡng ngọn lửa màu xanh dưới lòng hồ. Ngọn lửa đó do lưu huỳnh đốt cháy lên thôi. Ngọn lửa chỉ xuất hiện vào 4h sáng và sẽ biến mất khi bình minh lên. Đến đây, mình cũng như các du khách được trang bị một cái mặt nạ phòng độc.
Đến lúc leo xuống thì không quá vất vả nhưng khi leo lên thì rất khó khăn. Bình minh lên, lửa dần dắt, miệng núi lửa đó khói mịt mù, đặc biệt là khói lưu huỳnh cực kỳ khó thở. Khi leo lên miệng núi lửa khói mịt mù như vậy, hô hấp của mình khỏe mới có thể leo lên một cách dễ dàng được. Trong khi đó hệ hô hấp của mình không được khỏe. Từ dưới lòng núi lửa leo lên miệng núi tầm 45 phút nhưng tầm 10 bước đi là mình dừng lại để thở một lần. Mình cảm thấy ngực mình nhói lên và rất khó thở. Đây là lần đầu tiên mình cảm thấy sức khỏe của mình bị ảnh hưởng bởi điểm đến”.
Một chuyến đi đầy thử thách khác là chuyến chinh phục Everest Base Camp (EBC). Trong chuyến đi này, những người tham gia phải vượt nhiều con dốc cao, địa hình hiểm trở, nhiệt độ cũng rất khắc nghiệt, lượng oxy thấp… Cung đường đòi hỏi thể lực cao, thể trạng tốt. Chuyến đi này của Uy Di diễn ra xuyên suốt trong 10 ngày, cung đường khó khăn, mọi cảm xúc, mệt có giận dữ có, chán nán có, hào hứng có.
Sau những chuyến đi đầy mạo hiểm, bước ra khỏi vùng an toàn như vậy, Lê Hồ Uy Di có thêm nhiều bài học. Cô chia sẻ: “Sau những chuyến đi đó, tôi yêu bản thân mình hơn và khôn ngoan hơn. Mình đi du lịch mạo hiểm, chứ không phải đi du lịch liều mạng. Có nhiều bạn trẻ cứ nói đi thôi sợ gì và họ xải xể những người chưa dám bước ra vùng an toàn nhưng mình thì không nghĩ vậy, an toàn khác chết nhát”.
Cô cho biết thêm, trước khi dấn thân vào những hành trình như vậy, cần phải tìm hiểu thật kỹ, về điểm đến, về bản thân mình và những gì cần chuẩn bị. Trước những chuyến đi như vậy mình cần tìm hiểu kỹ khí hậu, địa lý ở đó, nếu có thời gian tìm hiểu cả ẩm thực và con người.
“Về bản thân mình thì sức khoẻ là quan trọng nhất nên việc chuẩn bị cho mình về kiến thức và thể lực là điều nên làm thường xuyên và hàng ngày. Đây như là bước chuẩn bị từ xa để sẵn sàng đón nhận bất cứ hành trình nào vậy đó. Và cả kinh tế, tiền bạc nữa. Mình không thích cứ có cơ hội nào đến mình đều chần chừ với lý do không khoẻ hay không có tiền…”, Lê Hồ Uy Di nói thêm.
Kiếm nhiều tiền để đi thật nhiều
Những chuyến đi là động lực để Lê Hồ Uy Di kiếm nhiều tiền hơn và cô cũng kiếm tiền nhờ những chuyến đi như vậy. Để kiếm ra tiền được qua những chuyến đi là điều không hề dễ dàng, thậm chí Uy Di đánh mất nhiều mối quan hệ vì nhiều người bạn không hiểu cô đang làm gì.
“Mình từng nghe nhiều lời nói thậm chí là của những người bạn tưởng chừng rất thân bảo là vì sao cứ cố gắng khoe những hình ảnh sang trọng, check in nhiều nơi các thứ trong khi chẳng thấy mình làm lụng gì. Họ nghĩ mình phông bạt, flexing (khoe khoang). Họ không hiểu những điều mình làm”.
Lê Hồ Uy Di cho biết, các chuyến đi đem lại cho cô rất nhiều điều. “Mình được bản thân mình ở thì hiện tại. Bây giờ mình mới cảm thấy mình sống thoải mái không phải là về vật chất, mà là tâm hồn, cá tính, tri thức, sự hiểu biết, cách đối nhân xử thế. Những chuyến đi dạy cho mình những thứ mà chưa một ai kiên nhẫn nói cho mình hiểu”.
Nhiều người luôn đặt ra quan điểm rằng phải có nhiều tiền mới đi du lịch được. Là một người đi du lịch nhiều, Uy Di không đồng ý với quan điểm này. Cô chia sẻ: “Không có tiền thì đi kiếm tiền thôi. Nếu bạn làm cả đời mà không có tiền thì bạn quá tệ rồi. Có nhiều người họ dành dụm cả đời để được đi đặt chân đến nơi mà họ muốn. Họ rõ ràng phải lao động rất chăm chỉ đấy chứ. Điều quan trọng là mình có thật sự muốn hay không? Nếu muốn, hãy quyết liệt với nó và đừng than vãn. Bản thân mình cũng đâu phải là người có nhiều tiền nhưng mình vẫn đi du lịch được đến những nơi mình muốn. Hãy kiếm tiền và thoát khỏi đó. Hãy đi khi mình sẵn sàng”.
Với nhiều người trẻ muốn đi nhiều nhưng vẫn còn ngại thoát ra vùng an toàn, Lê Hồ Uy Di muốn nhắn nhủ: “Các bạn trẻ hiện tại rất thông minh và hiểu chuyện. Họ hiểu rằng môi trường quan trọng như thế nào để du lịch và ra sức bảo vệ nó. Họ hiểu rằng cần trau dồi kiến thức về địa phương để tránh bị sốc văn hoá. Cái quan trọng là họ biết rằng mình cần gì và có được gì sau những chuyến đi. Còn đối với những bạn muốn và vẫn ngại thì thì mình chỉ muốn hỏi các bạn một điều thôi, các bạn còn trẻ, các bạn có gì để mất ngoài tuổi trẻ và những hoài bão?”.