Dù làm việc văn phòng với mức thu nhập hơn 10 triệu/tháng thì chị Phó Bảo Nam Phương (hiện đang sống tại Sài Gòn) vẫn nuôi mộng làm chủ shop bán đồ thời trang. "Mấy lúc mệt mỏi với sếp, áp lực với kpi, với khách hàng là mình lại có suy nghĩ start-up đó", chị Phương chia sẻ.

Nam Phương đã từng đi làm văn phòng 5 năm, sau đó nghỉ việc để kinh doanh tầm 1,5 năm, rồi quay lại đi làm đến nay là tầm 2 năm. Và bây giờ Phương vừa đi làm vừa làm cô chủ bán online của một tiệm đồ si. 

"Có thể nói, nhờ cơ may mà mình được trải nghiệm cả hai “cuộc sống” thú vị này một cách đầy đủ và chân thật nhất. Vậy nên, mình xin phép chia sẻ một ít cảm nhận của mình về cả 2 con đường cho ai đang phân vân nên đi làm hay tự làm chủ", Phương chia sẻ.

Start-up bán đồ si hay làm việc văn phòng? Trải nghiệm thực tế từ lời kể của cô chủ shop đồ si ở Sài Gòn sẽ giúp bạn có đáp án - Ảnh 2.

Phó Bảo Nam Phương (hiện đang sống tại Sài Gòn) vừa làm việc tại văn phòng lương hơn 10 triệu/tháng vừa mở 1 shop bán đồ si.

1. Chuyện đi làm

Ai đi làm thì cũng biết, câu chuyện lãnh lương đều đặn hàng tháng nó có sức níu chân một người mạnh mẽ đến nhường nào. Đặc biệt là khi đã làm lâu năm, có chuyên môn, tay nghề và lương thâm niên ngày một cao. Có thể nói cái “vùng an toàn” này nó quá là dễ chịu khiến mình khó có thể nào dứt áo ra đi. "Nếu 2 năm về trước, team mình gắn bó không bị giải thể, thì có lẽ mình cũng không có đủ dũng khí để thử bắt đầu con đường kinh doanh", Phương nói.

Ưu điểm của việc đi làm, theo Phương chính là:

Start-up bán đồ si hay làm việc văn phòng? Trải nghiệm thực tế từ lời kể của cô chủ shop đồ si ở Sài Gòn sẽ giúp bạn có đáp án - Ảnh 4.

Làm công việc văn phòng có nhiều ưu điểm trong đó mức lương đều đặn hàng tháng có sức níu chân một người mạnh mẽ.

- Thu nhập “đều đặn”: Nếu bạn có năng lực và chọn làm cho một công ty lớn hoặc tập đoàn đa quốc gia, tài chính hùng hậu thì chuyện lương bổng, phúc lợi sẽ luôn được đảm bảo. Lương và đãi ngộ tăng dần theo năm tháng là chuyện không phải bàn cãi. 

- Thư thả đầu óc: Mỗi ngày ăn vận thật đẹp đẽ, lịch sự, đi làm đúng giờ và làm việc thật chăm chỉ, cẩn thận. Hòa nhã với đồng nghiệp, vui vẻ với sếp và khách hàng là ổn. Chuyện năm nay công ty thua lỗ ra sao không phải bận tâm nhiều.

- Cuối tuần được nghỉ ngơi: Rảnh rang thì đi cafe, shopping, lướt Netfflix, hẹn hò, quẹt Tinder, bỏ giỏ hàng, sống "heo thì". Quá ư là thư thả, nhàn rỗi.

- Gia đình yên tâm: Bố mẹ mình thì vẫn mong con cái đi làm, có lương ổn định vì họ đã trải qua cuộc sống đó hơn 30 năm rồi và họ cũng chỉ mong con mình có cuộc sống yên ả, êm đềm như thế. Khi mình bảo mình thích kinh doanh, buôn bán, nhà mình cũng không phản đối đâu nhưng mình biết ba mẹ mình lo lắng lắm, và đặc biệt nhà mình cũng chẳng giàu có gì để có thể “gồng gánh” giúp đỡ mình.

Khuyết điểm:

Điều này chỉ là khuyết điểm, nếu như công việc bạn đang làm không phải là công việc mà bạn yêu thích. Mọi người chắc cũng từng nghe qua câu nói: Hãy chọn làm công việc bạn yêu thích, vì như thế bạn sẽ không phải làm bất cứ một ngày nào. 

Chẳng may công việc bạn đang làm không phải là công việc bạn yêu thích, vậy thì mỗi ngày đi làm chẳng thể là một niềm vui. Và đôi khi bạn sẽ cảm thấy trống rỗng, tự hỏi mình đang làm gì với cuộc đời mình thế này? Liệu mình sẽ tiếp tục như thế này trong vòng 30 năm nữa? 

Đi làm không có nghĩa là sẽ an nhàn một chỗ mãi, nếu không muốn dậm chân tại chỗ trong suốt chục năm, bạn vẫn cần phải học hỏi trau dồi thêm vì nếu không tiến thì lùi, bạn vẫn sẽ bị thay thế bất cứ lúc nào. Bây giờ đi làm, các bạn trẻ tuổi hơn mình làm sếp là chuyện quá bình thường. Nên "đều đặn" thì đôi khi không đi cùng với "mãi mãi".

Start-up bán đồ si hay làm việc văn phòng? Trải nghiệm thực tế từ lời kể của cô chủ shop đồ si ở Sài Gòn sẽ giúp bạn có đáp án - Ảnh 5.

2. Chuyện start-up để thành cô chủ bán đồ si

Năm 2019, Phương đã bắt đầu kinh doanh đồ si vì đây cũng là niềm đam mê từ lâu của cô nàng. Sau 2 năm buôn bán, đây là những điều mà Phương đúc kết được:

Ưu điểm:

- Làm ngày làm đêm, làm hăng say không biết mệt vì đương nhiên tiệm của mình mà, làm cái gì cho nó cũng thấy vui vẻ, xứng đáng.

- Tha hồ sáng tạo, làm này làm kia, mà không sợ ai chê bai, bác bỏ.

- Tinh thần khá vui vẻ, lạc quan, nhất là lúc có khách.

- Thoải mái, tự do giờ giấc, muốn làm gì làm, muốn mặc gì mặc.

- Trên lý thuyết, nếu bạn thành công với con đường này thì thu nhập bao nhiêu cũng có thể với tới được.

Nhưng mà hiện thực thì cũng đến sớm lắm, Phương tạm gọi là khuyết điểm:

Start-up bán đồ si hay làm việc văn phòng? Trải nghiệm thực tế từ lời kể của cô chủ shop đồ si ở Sài Gòn sẽ giúp bạn có đáp án - Ảnh 6.

Thời điểm ban đầu mở shop bán đồ si, thu nhập khoảng 7-8 triệu. Phương dùng số tiền đó để trả tiền mặt bằng và không có lời lãi gì cả.

- Thu nhập bấp bênh: Cái này ai cũng hiểu. Trừ khi bạn có một nguồn tích trữ hoặc hậu phương vững mạnh đủ để sống trong vòng 1 năm (thời gian này là tối thiếu) còn không thì shop bán của bạn sẽ nhanh chóng sớm nở tối tàn, giữa chừng hết vốn. Bởi lẽ mới mở shop đương nhiên là sẽ không có tiền, thậm chí còn nghèo dần theo thời gian trong lúc chờ khách biết đến tiệm mình. "Có thời điểm, mua đồ ăn trứng thịt sữa thôi mà mình còn cân nhắc lên xuống không dám mua chứ đừng nói chi đến son phấn, quần áo", Phương chia sẻ.

- Luôn nặng đầu suy nghĩ, làm sao để có đơn, làm sao để có lời. Ai tinh thần yếu sẽ rất dễ suy sụp ở đoạn này bởi cái cảm giác nhìn tiền tiết kiệm tích cóp bao năm nó vơi dần trong vài tháng mà tiệm thì bấp bênh, đơn lèo tèo không biết tương lai về đâu. Đôi khi còn dễ dẫn đến trầm cảm và tự cho mình là bất tài, vô dụng nữa.

- Dễ sinh cảm giác tủi thân: Nhìn bạn bè xung quanh mình ngày ngày đi làm rồi được thăng chức, lên lương, cafe, du lịch sang chảnh, shopping,... đôi khi nhìn lại sẽ tủi thân. Dù biết đây là con đường mà mình đã chọn nhưng cũng dễ mềm lòng. Cảm giác từ một cô gái văn phòng, sáng lụa là, tối shopping chuyển sang một "bà chủ" rỗng túi, dăm ba nghìn cũng đắn đo. Tinh thần phải mạnh mẽ mới có thể trụ được qua giai đoạn này. 

- Phải tự lo hết mọi việc: Nếu đi làm, bạn chỉ là một mắt xích nhỏ trong cả quá trình thì khi tự kinh doanh, bạn sẽ là cả một quá trình: Từ đi chọn mua hàng, giặt giũ, chụp ảnh, marketing, chốt sale, thậm chí cả giao hàng. Độ vất vả thì khỏi phải nói rồi mà quan trọng hơn cả là còn cần phải có kiến thức nữa. Thế nên nếu đi làm bạn chỉ cần đào sâu kiến thức chuyên môn thì khi tự kinh doanh cái gì bạn cũng cần phải học, thậm chí là học ác liệt hơn nữa.

- Quan trọng nhất cũng là điều Phương gặp phải: Đó là thất bại. 90% những người start-up, kinh doanh lần đầu đều thất bại và chính Phương cũng không phải ngoại lệ. Sau khi thất bại, Phương rút ra những bài học từ trải nghiệm đó, mạnh mẽ để làm tiếp.

Start-up bán đồ si hay làm việc văn phòng? Trải nghiệm thực tế từ lời kể của cô chủ shop đồ si ở Sài Gòn sẽ giúp bạn có đáp án - Ảnh 7.

Ảnh: NVCC