* Bài viết được ghi lại theo chia sẻ của chị Huế (28 tuổi) đang sống ở TP Nam Định.
Vợ chồng tôi có 1 căn nhà nhỏ ở đường Tô Hiến Thành (Mỹ Trọng), Mỹ Xá, Nam Định. Tôi là giáo viên dạy mầm non lương 5 triệu/tháng. Chồng tôi làm ngoài thu nhập khoảng 10 triệu/tháng. Nhiều người đồn đại ở Nam Định sướng, mức chi tiêu rẻ nhưng tôi không biết rẻ ở chỗ nào. Nhà tôi thu nhập 2 vợ chồng 15 triệu nuôi 2 đứa con không để ra được đồng nào.
Về chi tiêu sinh hoạt hàng ngày
Tuy cùng 1 thành phố Nam Định nhưng mỗi khu vực, mỗi chợ lại có 1 mức giá riêng. Ví dụ gần nhà tôi có chợ đêm ở đường Phạm Ngũ Lão nếu đi từ 4-5h sáng thì mua bán các thứ khá rẻ. Chợ có đầy đủ các mặt hàng từ tôm cá thịt, rau, hoa quả… và hầu như là bán buôn. Nó phù hợp với nhà nào đi chợ tích trữ cả tuần. Còn nhà tôi có con nhỏ thì không thể đi được như thế. Vì 7h sáng là chợ tan rồi, không còn gì để mua. Nam Định cũng có mấy chợ to bán buôn nhiều như chợ Mỹ Tho, chợ Rồng...
Người thân tôi ở khu vực trung tâm phố hay đi mấy chợ truyền thống, chợ tạm như chợ Năng Tĩnh, chợ Hoàng Ngân, chợ Cầu Sắt… thì giá thành không hề rẻ chút nào. Ví dụ cá chép Hà Nội 60k/kg thì ở đây cũng phải 50k/kg, thịt bò 260k-280k/kg, rau thì bó mớ nhỏ khoảng 3-5k/mớ ngỡ là rẻ nhưng cũng không đủ ăn 1 bữa.
Tôi thường hay đi chợ gần nhà vào buổi sáng đưa con đi học hoặc chiều đón con về. Đồ ăn đảm bảo tươi hơn vì nhà tôi có con nhỏ. Tôi tính trung bình theo ngày khoảng 100k/ngày, tùy bữa ăn theo sở thích hoặc nhà có khách thì số tiền phải hơn. Một tháng nhà tôi tiêu hết 3-4 triệu tiền thức ăn.
Nam Định có 1 ưu điểm là khi nhà bạn muốn "đổi gió", ra ngoài ăn thì đồ ăn ngoài khá ngon, đa dạng và rẻ (cũng tùy món vì bún chả ngon ở Nam Định vẫn 40-50k/suất). Nếu gia đình muốn liên hoan đông đủ người thân bạn bè thì mỗi người chỉ hết khoảng 200k là thoải mái cho 1 buổi "đổi gió".
Nam Định cũng có nhiều quán ăn sáng giá thành khá rẻ như bún sung ở chợ Diên Hồng 10-15k/bát, bún giả cầy, bún riêu 20-25k, phở bò 25-30k… Đồ ăn vặt ở thành phố cũng không hề rẻ nếu là những món ngon như ốc luộc, chè, kem thì giá dao động từ 20-50k., cá biệt như chân gà, cánh gà nướng... thì giá có thể lên đến 300k 1 lần ăn.
Vậy nên nhà tôi tốn khoảng 1-2 triệu/tháng cho những buổi ăn ngoài cùng bạn bè và tụ họp gia đình.
Khoản đầu tư lớn nhất: Con cái
Có lẽ khoản tôi tiêu tốn nhất hàng tháng là tiền học và tiền ăn của con. Tôi có 1 bé đang học lớp 2 và 1 bé 3 tuổi. Bé lớn tôi cho học trường công, học phí 1,2 triệu cả bán trú. Đứa bé thì tôi cho học trường mầm non tư thục học phí 2,5 triệu/tháng (trường thuộc phân khúc vừa, chưa phải trường tốt nhất). Cả tiền học thêm ngoài nữa là vào 4,5 triệu/2 đứa.
Con còn bé lại gầy gò nên tôi tốn thêm khoản sữa, thuốc bổ mỗi tháng khoảng 1,5 triệu nữa. Chưa kể tiền hội họp các chương trình của trường lớp, ăn uống lặt vặt tôi không nhớ hết được. Rồi có tháng phát sinh mấy triệu tiền thuốc do con ốm đau phải vào viện thì không thể tính xuể.
Các khoản khác
Tiền điện, nước, mạng thì nhà nào cũng phải đóng rồi, mỗi tháng nhà tôi hết khoảng 700k (đó là dùng tiết kiệm chưa tính mùa hè dùng điều hòa nhiều). Còn tiền rác, tiền ủng hộ nọ kia, tiền đám ma chay cưới hỏi… tôi để ra 1 triệu cho quỹ dự trù ấy.
Thi thoảng đồ trong nhà hỏng hóc hoặc cần sửa cái này cái kia cũng lại phát sinh thêm khoản phải chi. Và có rất nhiều khoản nữa mà tôi tin các gia đình sẽ hiểu.
Còn dư ra hơn 2 triệu cũng bù vào tiền xăng xe rồi chi tiêu lặt vặt của 2 vợ chồng. Vậy là chả có tháng nào vợ chồng tôi để ra được đồng nào. Tháng nào cắt được tiền ăn ngoài thì con cái lại ốm.
Vậy nên tôi nghĩ bất cứ tỉnh nào cũng sẽ có phân vùng từng khu vực, không thể xem 1 nơi rồi bảo cả tỉnh ấy chi tiêu rẻ được. Phải ai sống ở nơi ấy, trải qua từng ngày mới hiểu được mức chi phí thực sự như nào, phải cân đong đo đếm ra sao để phù hợp với hoàn cảnh nhà mình.