Ai Cập tìm thấy thành phần dùng ướp xác bị thất lạc trong cổ vật 2.500 năm tuổi
Những tàn tích từ những chiếc bình gốm 2.500 năm tuổi vẫn còn chứa những thành phần được các thợ thủ công Ai Cập xưa sử dụng để ướp xác người chết.
Người Ai Cập cổ đại đã để lại cho nhân loại những di sản văn hóa phi thường. Ngoài nét kiến trúc và nghệ thuật độc đáo như kim tự tháp khổng lồ, người ta còn ấn tượng với kĩ thuật ướp xác. Trong đó bao gồm xác ướp của các pharaoh vĩ đại được xử lý bằng kỹ thuật ướp xác, cách đây hàng nghìn năm. Mặc dù, chúng ta đã có một thời gian dài để hiểu được quy trình ướp xác ra sao, nhưng có nhiều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết.
Mới đây, một nghiên cứu đã chỉ ra nhiều chi tiết thú vị về tập tục bảo quản người chết cổ xưa này. Cụ thể, một nhóm các nhà nghiên cứu người Đức gốc Ai Cập đã phân tích dư lượng hóa chất từ các bình được khai quật tại xưởng ướp xác ở Saqqara, gần kim tự tháp Unas ở Hạ Ai Cập. Đây là địa điểm mà người Ai Cập cổ đại từng ướp xác của giới thượng lưu hơn 2.500 năm trước (664-525 TCN).
Kết quả phân tích hóa học của 31 bình gốm đã tiết lộ bản chất của nhiều thành phần ướp xác mà trước đây khó xác định qua những văn bản cổ còn sót lại. Bằng cách xác định những chất này, các nhà nghiên cứu không chỉ làm rõ hơn về quá trình ướp xác phức tạp mà còn suy ra một câu chuyện văn hóa phong phú, giải mã ý nghĩa của một số thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản cổ. Qua đó, chứng minh vai trò của việc ướp xác trong việc thúc đẩy hoạt động buôn bán đường dài đến khu vực Đông Nam Á.
Philipp Stockhammer, Giáo sư khảo cổ học cho biết: "Kiến thức hóa học của những người ướp xác cổ đại không hề có bất kỳ ý tưởng nào về vi sinh học. Họ chỉ có hàng thế kỷ kinh nghiệm để quan sát và đúc kết ra những chất nào góp phần bảo quản cơ thể con người tốt hơn".
Những điều cơ bản về quá trình ướp xác cổ đại
Sở dĩ xác ướp có thể được bảo quản trong thời gian dài, chủ yếu là do được ngăn chặn hiệu quả khỏi bị thối rữa và phân hủy. Sự thối rữa và phân hủy là do tác động của vi sinh vật, enzym, côn trùng và động vật trên xác chết. Vì vậy, trong quá trình xác ướp, người ta cần phải loại bỏ độ ẩm và sử dụng chất bảo quản tự nhiên để làm khô, hoặc tạo ra môi trường không thuận lợi cho hoạt động của các yếu tố này.
Nhiều nền văn hóa cổ xưa đã sử dụng kĩ thuật ướp xác này, mang đậm ý nghĩa tôn giáo, bao gồm xã hội Trung Quốc và nhiều xã hội tiền Columbus ở Nam Mỹ. Nhưng chính ở Ai Cập cổ đại, trình độ ướp xác đã đạt đến đỉnh cao. Những kĩ thuật phức tạp trong quá trình ướp xác đã phản ánh nỗi ám ảnh của người Ai Cập cổ đại về cái chết.
Người Ai Cập cổ đại tin tưởng rằng khi một người chết, bản chất tâm linh của họ vẫn còn và ngay lập tức bắt tay vào cuộc hành trình chu du, gặp nhiều thực thể thần thánh và ma quỷ khác nhau. Cuối cùng, linh hồn sẽ gặp thần chết Osiris, người sẽ đánh giá xem liệu linh hồn họ có xứng đáng được lên thiên đàng vĩnh cửu cùng các vị thần hay không.
Nhưng để cuộc hành trình tâm linh này thành công, thể xác phải được giữ nguyên vẹn càng lâu càng tốt. Điều này khiến những nghèo rất khổ tâm vì không đủ khả năng chỉ trả cho việc ướp xác.
"Rõ ràng là chỉ có người trong giới thượng lưu ở Ai Cập được ướp xác. Những người nghèo sẽ được chôn trong các hố trên sa mạc. Hơn nữa, từ các văn bản cổ, chúng tôi biết được rằng tùy vào khả năng tài chính mà người ta sẽ có thể lựa chọn các gói dịch vụ cao cấp hơn cho việc ướp xác", ông Philipp Stockhammer cho hay.
Thật không may mắn khi chúng ta biết rất ít về tục lệ này qua một số văn bản còn sót lại. Và phần lớn tư liệu đó không có nguồn gốc từ Ai Cập, chẳng hạn như cuốn Lịch sử của Herodotus, trong đó mô tả ba cấp độ ướp xác.
Phát hiện mới giúp ngành khảo cổ khai sáng
Mới đây, trong chuyến du lịch tại xưởng Saqqara, các nhà nghiên cứu đã vô tình phát hiện ra một thông tin vô cùng giá trị. Họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy vô số chiếc bình cũ được các thợ thủ công lành nghề sử dụng để ướp xác người chết. Những chiếc bình này được dán thành phần và hướng dẫn sử dụng bên trong. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu để phân tích dư lượng hóa học và so sánh phần còn lại với các phân tử ngoài thực tế để biết được chính xác tên gọi của chúng.
Một chiếc bình từng đựng dung dịch mộc dược hoặc nhu hương, thực chất lại là một hỗn hợp của nhiều thành phần khác nhau. Hỗn hợp này được các thợ thủ công ở Saqqara gọi là "antiu", chứa dầu tuyết tùng, cây bách xù, dầu cây bách và mỡ động vật.
"Lần đầu tiên, chúng tôi biết những thuật ngữ như "antiu" nghĩa là gì, sau gần 200 năm suy đoán. Điều này sẽ cho mở ra một cách đọc mới trong nhiều văn bản Ai Cập cổ", ông Stockhammer nói.
Nhựa hồ trăn và dầu thầu dầu chỉ được dùng để bảo quản phần đầu thi thể, trong khi các hỗn hợp khác được dùng để rửa cơ thể hoặc làm mềm da. Đồng thời, các nhà nghiên cứu đã tìm ra được nguồn gốc xuất xứ của những hóa chất trên. Ví dụ như nhựa hồ trăn, dầu tuyết tùng và nhựa đường có lẽ có nguồn gốc ở Levant. Các thành phần được xác định khác, chẳng hạn như kẹo cao su dammar và nhựa elemi, chỉ có thể đến từ châu Phi nhiệt đới và Đông Nam Á.
Mặc dù quá trình ướp xác thường được đi kèm với nhiều điều bí ẩn, nhưng mục đích của người xưa là mong muốn được đi về thế giới bên kia thanh thản và phục vụ người cai trị. Nhưng không thể phủ nhận rằng nó phản ánh trí tuệ của người xưa, ở một góc độ nào đó, nó còn thúc đẩy sự tiến bộ của y học nhân loại.
Tuy không đề cập nhiều, nhưng qua tàn tích và nhãn hiệu cổ xưa trên các bình gốm đã giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra một mạng lưới thương mại rộng lớn và vô cùng tinh vi từ gần 3.000 năm trước. Chúng kết nối Ai Cập với châu Phi và khu vực Đông Nam Á. Một nhà khảo cổ học người Đức cho biết: "Việc ướp xác của người Ai Cập có lẽ là động lực thúc đẩy toàn cầu hóa và thương mại đường dài."
Những phát hiện từ vài chục mảnh gốm cổ xưa, tưởng chừng như vô giá trị, lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành khảo cổ. Nghiên cứu này chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng trong ngành khảo cổ học Ai Cập trong những năm tới.