Chắc chị em công sở không còn xa lạ với chân lý: Trong buổi tụ tập nói chuyện, nếu một ai vắng mặt thì người đó sẽ là kẻ bị lôi ra làm chủ đề bàn tán. Tất tần tật từ tiểu sử, ăn mặc, phong cách sống, lời nói, công việc của họ sẽ được mổ xẻ từng chút một. Và tất nhiên, không có gì tốt đẹp được nói ở đây cả, mà rặt toàn những thứ kinh thiên động địa.
Vậy nguyên nhân của những trò bóc mẽ này là do đâu?
Thứ nhất, vì lẽ đời vốn vậy. Con người ta sẽ hào hứng hơn với những câu chuyện liên quan đến mặt xấu của người khác. Họ tò mò, muốn được vạch trần chân tướng và hả hê khi biết người khác sống "lỗi".
Đặc biệt là khi đối tượng bị đem ra nói xấu là một kình địch trong công ty. Để rồi khi câu chuyện kết thúc, mọi người đều chẹp miệng một cái rồi bĩu môi "Thế hả? Hóa ra con bé X cũng chả tốt đẹp gì cho cam! Đúng là chỉ được cái mã ngoài!"
Thứ hai, vì tư duy và thế giới quan hạn hẹp, nên những chủ đề nói chuyện khi gặp nhau không thoát ra được khỏi những thị phi của người khác. Một nhóm khoảng 4, 5 người ngồi tụ tập với nhau, họ không có khả năng kết nối bằng những thông tin ngoài xã hội, không muốn phải động não để trò chuyện những vấn đề hay ho.
Đơn giản, chỉ khi được nói xấu người khác, họ mới thực sự hào hứng và có một chủ đề hay để tất cả phải xúm lại bàn tán.
Thanh Thuý, một cô nàng công sở 25 tuổi chia sẻ: "Khi tụ tập với mấy chị trong cơ quan, chẳng ai dám kể lể về cuộc sống của bản thân. Ai cũng sợ nếu trót khoe ra, người khác lại nghĩ mình đang làm màu. Mà tự dưng bàn về mấy câu chuyện đao to búa lớn thì chẳng khác nào kẻ dở hơi. Chỉ có đúng chuyện bóc "phốt" người khác mới vui, mới đủ sức hút để kéo mọi người lại gần nhau hơn. Sau mỗi câu chuyện thị phi, ai nấy đều hả hê vì vừa được "hít" cả một tài nguyên thông tin."
Nhưng buồn thay, dù đồng nghiệp nào đó sống tốt đến đâu, vẫn sẽ trở thành kẻ xấu trong câu chuyện của một người khác
Hạ Nhiên, một "chị đại" công sở, người khác nhìn sẽ chẳng chê vào đâu được. Trẻ trung, giỏi giang, hết mình vì công việc, lấy chồng giàu, tốt, con cái khỏe mạnh... Một lần, vì bận việc nhà nên Nhiên không đi ăn được cùng mọi người trong văn phòng nhân dịp cuối tháng.
Quả thực, Nhiên chính là đối tượng bị đem ra làm trò tiêu khiển. Mọi người nói Nhiên từ ngày lên chức, lấy chồng thì chảnh hơn, chẳng còn thân thiết gì với chị em nữa! Thậm chí, họ còn nghĩ Nhiên do "quan hệ ngoài luồng" với cấp trên nên mới được thăng tiến.
Người khác còn dè bỉu chưa biết chừng đứa con Nhiên đang nuôi là con sếp, vì nhìn nó giống sếp hơn giống chồng Nhiên!
Tất nhiên, những điều này đều là bịa đặt, chỉ được lôi ra như một "câu chuyện làm quà". Họ chẳng cần quan tâm hậu quả của trò nói xấu này ra sao, hay mức độ lan tỏa của nó như thế nào. Nhưng chẳng thể phủ nhận, sau khi nói xấu, ai cũng có cái nhìn tiêu cực về Hạ Nhiên hơn. Từ đó, mọi người sẽ dè chừng, ác cảm với cô nàng này dù cô ấy chẳng có gì để chê trách cả!
Vậy đó, dẫu điều này có là một mặt trái của cuộc sống công sở, chúng ta khó mà tránh được. Dù bạn cố gắng đến bao nhiêu, bạn vẫn là nạn nhân thôi! Hãy bỏ mọi thứ ngoài tai, mặc kệ không quan tâm. Miễn là chúng ta thấy mình sống không "lỗi" với ai, thì sợ gì dăm ba câu chuyện phù phiếm đúng không nào?