"Hoa sữa nồng nàn"; "Tình cảm nồng nàn"... bạn hẳn đã từng nghe và dùng quá nhiều lần từ nồng nàn trong cuộc đời mình. Theo nghĩa thông thường nhiều người biết, nồng nàn là tính từ chỉ:
1. (Mùi) đậm một cách dễ chịu và bốc mạnh lên: mùi rượu nồng nàn. Hương bưởi thơm nồng nàn.
2. Mạnh mẽ, thiết tha và đậm đà: tình yêu nồng nàn.
Thế nhưng ít ai biết rằng nghĩa bóng của nồng nàn trước đây vốn chỉ những điều hoàn toàn khác.
Một độc giả từng đặt câu hỏi: Trong tác phẩm Nhị thập tứ hiếu của Lý Văn Phức, ở bài "Mẫn Tử Khiên nhà Chu" có đoạn:
Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa
Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu
Thờ cha sớm viếng khuya hầu
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn.
Nội dung bài này vốn dĩ nhắc đến chuyện bà mẹ ghẻ đối xử với Mẫn Tử Khiên rất tệ nhưng tác giả lại viết nồng nàn. Phải chăng từ nồng nàn này khác nghĩa với từ nồng nàn ngày nay?
Câu trả lời của PGS.TS Lê Trung Hoa đó là: Trong Từ điển An Nam – Lusitan – La tinh (1651), A. de Rhodes có giải nghĩa từ nồng nàn như sau "không có sự tôn kính, bất nhã, xấc xược. Đồng nghĩa với dể ngươi". Trong Từ vị An Nam – Latinh (1772-1773), P. de Béhaine giải thích từ nồng nàn là: "mùi chua xót của cơ cực, khổ cực…" . Huỳnh Tịnh Của, trong Đại Nam quốc âm tự vị (1895-1896), giảng nghĩa: "Nồng: mùi cay nóng, hăng gắt". "Nồng nàn: nồng quá".
Trong Truyện Kiều, câu: "Gạn gùng đến mực nồng nàn mới tha" (câu 1154) nói lên hành động độc ác của Tú Bà đối với Kiều. Qua cách hiểu của các tác giả sống trong ba thế kỷ 17, 18, 19, ta có thể khái quát hai nghĩa (bóng) của từ nồng nàn là "ngang ngược" và "cay nghiệt". Nghĩa thứ hai ứng vào câu thơ của Lý Văn Phức.
Như thế, nồng nàn vốn có nghĩa đen là "rất hăng, gắt" và nghĩa bóng là "xấc xược, cay nghiệt". Về sau, hẳn do bị ảnh hưởng bởi "nồng say", "nồng thắm" mà từ này chuyển sang chỉ sự "đậm mùi một cách dễ chịu" và "sâu đậm, thiết tha".