AirVisual hiển thị chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội sáng 7/10 - không còn tím ngắt những vẫn đứng top đầu

Thông tin app đo chỉ số chất lượng không khí cùng bảng xếp hạng ô nhiễm không khí trên AirVisual hiện nay đang gặp phản ứng không mấy tích cực từ nhiều người dùng Việt Nam. Theo đó, nhiều người bày tỏ quan ngại app đo thiếu chính xác. Cùng với đó, sự nhận định từ giới chuyên gia gần đây càng khẳng định hơn nữa điều này.

Điều đó dẫn đến chuyện vào tối qua, 6/10, người dùng Việt phản ánh không thể cài đặt ứng dụng AirVisual được nữa. Người dùng Việt Nam khi tìm kiếm từ khóa "AirVisual" sẽ không tìm thấy ứng dụng AirVisual. Trang Facebook của AirVisual cũng không còn cho phép người Việt truy cập. Nguyên nhân sau đó được Air Visiual lý giải việc gỡ bỏ ứng dụng của mình là do bị quá nhiều người Việt đánh giá 1*. Bên cạnh đó, Air Visual cũng thừa nhận Hà Nội không phải thành phố ô nhiễm nhất thế giới như mọi người nghĩ.

Vẫn thuộc top đầu những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, Hà Nội đã có cái nhìn khách quan hơn trên AirVisual - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng danh sách thành phố ô nhiễm không khí sáng nay. Hà Nội vẫn thuộc hàng top nhưng không còn ở vị trí số 1 hoặc 2 với màu tím đáng sợ.

Mặc dù ứng dụng đã bị gỡ trên các kho cài đặt nhưng những ai đã cài ứng dụng AirVisual trên điện thoại thì vẫn có thể sử dụng một cách bình thường. Điều đáng nói là vào sáng nay, trên ứng dụng này, chỉ số chất lượng không khí AQI tại Hà Nội không còn thuộc top 1, 2 nữa mà lùi xuống vị trí thứ 3. Với chỉ số chất lượng không khí là 155, Hà Nội hiện màu đỏ thay vì màu tím cực kỳ độc hại cho sức khỏe.

So với các trang web, app đo được đánh giá là chuẩn xác hơn, chỉ số chất lượng không khí của AirVisual không còn mức chênh lệch đáng kể:

Vẫn thuộc top đầu những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, Hà Nội đã nhận được cái nhìn khách quan hơn trên AirVisual - Ảnh 2.

Hiển thị các điểm đo trên Pam Air vào cùng thời điểm. Các chỉ số cũng ở mức tương đương so với AirVisual.

Vẫn thuộc top đầu những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, Hà Nội đã nhận được cái nhìn khách quan hơn trên AirVisual - Ảnh 3.

Chỉ số chất lượng không khí tại aqicn.org vào cùng thời điểm.

TS Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam) cũng nhận định, việc Hà Nội dẫn đầu top về ô nhiễm không khí trên thế giới là việc cần xem xét. Nhưng có một sự thật là, Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng. Đó là thực tế không thể phủ nhận và đòi hỏi mỗi người cần có ý thức, biện pháp bảo vệ sức khỏe chính mình và môi trường xung quanh.

Vẫn thuộc top đầu những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, Hà Nội đã có cái nhìn khách quan hơn trên AirVisual - Ảnh 3.

Để chủ động phòng tránh ô nhiễm không khí nặng, người dân cần thường xuyên làm gì?

Theo TS Hoàng Dương Tùng, điều đầu tiên mà bạn cần làm mỗi ngày là theo dõi các kết quả về chỉ số chất lượng không khí. Nên theo dõi hàng ngày, thậm chí hàng giờ để quyết định có ra ngoài hay không và có biện pháp đi kèm.

Vị chuyên gia này nhận định, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở mức rất ô nhiễm, người dân cần:

- Hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm ô nhiễm.

- Hạn chế đi tập thể dục buổi sáng vì trong quá trình tập, việc hít thở gấp khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn.

- Khi xe dừng đèn đỏ nên tắt máy, nhất là ở ngã tư.

- Đeo khẩu trang, che chắn mặt mũi, tay chân cẩn thận khi đi ra ngoài. Có thể lồng 2 khẩu trang y tế để đeo một lần giúp giảm thiểu hít phải bụi bẩn.

- Vào những ngày chỉ số chất lượng không khí nhiều điểm đỏ thì những người nhạy cảm về sức khỏe như trẻ em, người già không nên ra đường. Đặc biệt là vào buổi sáng.

Vẫn thuộc top đầu những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, Hà Nội đã có cái nhìn khách quan hơn trên AirVisual - Ảnh 6.

Hạn chế đi tập thể dục buổi sáng vì trong quá trình tập, việc hít thở gấp khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn.

Ngoài ra, người dân cũng nên có ý thức bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc hành động để giảm ô nhiễm theo những cách sau để giảm chỉ số chất lượng không khí:

- Tăng cường đi bộ, xe đạp, xe bus, giảm phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô riêng.

- Không đốt rơm rạ, không đốt rác, không đổ rác, đất cát ra đường, không đốt vàng mã...

- Bớt đổ đất, cát ra đường và xả rác thải ra biển cũng như không khí.

- Tự trồng thêm nhiều cây xanh phù hợp với địa phương, giữ gìn sạch sẽ chỗ ở của bản thân và gia đình.