Không giống như những đầu bếp khác, Alain Nguyễn là người theo chủ nghĩa xê dịch hoàn hảo. Khó có một nơi nào giữ chân được vị bếp trưởng 44 tuổi này dù đó có là nhà hàng 5 sao đẳng cấp thế giới hay những tập đoàn ẩm thực nổi tiếng đi chăng nữa. Bởi vậy cho nên, cuộc gặp với Alain Nguyễn được dời lịch hẹn trong nhiều ngày. Hiếm hoi được khoảng thời gian vị giám khảo Vua đầu bếp nhí 2016 lưu lại Sài Gòn, người viết mới có cơ hội gặp gỡ và tiếp chuyện.
Alain Nguyễn - Giám khảo của "Vua đầu bếp nhí 2016"
Một buổi sáng đầu tuần nhẹ nhàng, ngồi giữa không gian thanh mát của một quán cà phê phong cách châu Âu sang trọng, Alain Nguyễn diện bộ vest xanh thanh lịch, miệng luôn nở nụ cười tươi tắn. Anh đến cuộc hẹn sớm 15 phút, tác phong dễ thấy của những vị đầu bếp làm việc lâu năm trong nghề, đó là không bao giờ làm cho khách của mình cảm thấy khó chịu hay bức bối.
Nói dông dài về những cuộc dạo chơi miền Bắc, miền Trung, miền Nam ngay sau khi hoàn thành vai trò giám khảo ở Vua đầu bếp nhí, Alain Nguyễn lại kể về lý do tham gia chương trình này. Với anh, Vua đầu bếp nhí là một sân chơi khá lạ, ở đó trẻ con được nấu nướng, được làm tất cả những gì chúng thích và phá vỡ rào cản, định kiến rằng con nít Việt Nam chẳng bao giờ làm được điều này. "Tôi có một sự hoài nghi, rõ ràng ai cũng có quyền hoài nghi. Thời gian sống bên Pháp, tôi tiếp xúc với nhiều người, cũng biết trẻ con Châu Âu được bố mẹ tạo điều kiện cho tự lập từ sớm. Nhưng trẻ con Việt Nam lại không. Ít có gia đình nào bố mẹ chấp nhận 1 đứa con trai nấu bếp. Nhiều người nghĩ rằng, nếu bếp là chuyện đàn bà, đàn ông con trai phải làm những thứ ghê gớm hơn, bác sĩ, kỹ sư hay thầy giáo chẳng hạn".
"Nhưng Vua đầu bếp nhí khiến tôi thay đổi cách nhìn. 20 năm trước lối sống gia đình, chuyện nấu nướng bếp núc đặt trên vai các bà, các mẹ còn nặng. Chứ bây giờ mọi thứ cũng khác xa. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt lấp lánh của các con niềm say mê và tự hào khi được đứng bếp. Nó giống như hình ảnh của tôi ngày trước, cũng thập thò, cũng hào hứng mỗi khi làm ra được món gì ngon. Không phải lần đầu tiên tôi làm giám khảo, nhưng Vua đầu bếp nhí là một điều tươi mới. Ở đây, tôi nhiều lần chứng kiến những tai nạn như phỏng dầu, đứt tay, khi bị loại khỏi cuộc đua, các con oà lên khóc nức nở. Không phải vì các con sợ mất giải thưởng, mà đó là cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối khi chẳng còn được nấu ăn cùng mọi người".
Alain Nguyễn tên thật là Hiếu, anh sinh năm 1972 tại Trà Vinh. Khi học hết lớp 12, Alain Nguyễn theo lời bố mẹ là thi vào trường ngoại ngữ để nuôi mộng giáo viên. Nhưng, một buổi tối nọ, chú của anh rủ rê đi ăn món Pháp ở nhà hàng. Chỉ sau một bữa ăn, Alain Nguyễn đã bỏ cả trường ngoại ngữ. Về đến nhà, Alain Nguyễn quyết chí xin bố mẹ được học nấu ăn. "Bố tôi là một giáo sư có tiếng, mẹ lại làm việc trong ngành giáo dục. Tất nhiên, tư tưởng của họ cũng đã thoáng và dễ chịu hơn nhiều người. Nhưng, thời điểm những năm trước 2000, có ai lại chẳng muốn con mình được xưng hô là ông này bà nọ. Nghề làm bếp lúc đó chẳng ai thích thú gì. Mọi người chỉ nghĩ tôi rảnh rỗi quá nên sinh nông nổi".
"Nhưng rồi, hục hặc mãi cuối cùng tôi cũng qua Pháp học nấu ăn. Tôi là một trong những người Việt đầu tiên qua Pháp học ẩm thực chứ không phải công nghệ kỹ thuật gì cao siêu. Ai hỏi tôi học gì, tôi cũng nói qua Pháp học làm bếp. Người cười chê, người thông cảm, còn tôi thì bất chấp. Mà học phí cho nghề này lại khá cao so với mặt bằng chung. 3 năm học tại trường, tôi phải đóng khoảng 75.000 USD. Đây là cả gia tài của một người chứ đừng nói chi chuyện nhỏ. Học phí đã đắt, môi trường lại khắc nghiệt, đào thải cao. Trong trường dạy nấu ăn, hầu hết mọi người đều to con, khỏe mạnh. Còn mình, nhìn lại thấy quá ốm yếu, nhỏ con".
Không còn vui vẻ, hồ hởi như lúc ban đầu, Alain Nguyễn bắt đầu nhẹ giọng và nói chậm hơn: "Tôi từng suy nghĩ lựa chọn đi học nấu ăn của mình có thể là sai lầm. Khi trong người không còn tiền, phải nhờ vả đến sự giúp đỡ của ông chú cũng đang sống cùng tại Pháp. Tôi cùng với vài người bạn thuê một căn phòng, nói đúng hơn là 1 cái studio rộng chừng 20 mét vuông nhưng lại có giá gần 900 Euro. 3 năm trời sống ở đây, tôi ít gặp bạn cùng phòng vì múi giờ sinh hoạt lệch nhau. Từ sáng sớm tôi đã đi, đến tối mịt về phòng thì bạn cũng đã ngủ. Đó là khoảng thời gian vất vả và cực khổ nhất đời. Đừng tưởng du học sinh là sướng, khi không có cha mẹ gần bên, lại đang chịu áp lực từ người ngoài, có những lúc tôi gần như sụp đổ".
Alain Nguyễn tiếp nối câu chuyện bằng chuỗi những ký ức đượm buồn. Khác xa hình ảnh hiền hòa, dịu dàng trong Vua đầu bếp nhí, Alain Nguyễn của thời điểm hiện tại trầm lắng hơn. Nhưng, cái trầm lắng này lại thể hiện sự sinh động đến khác thường. Ánh mắt chứa chan những trăn trở, suy tư, anh hồi tưởng về chuỗi ngày cơ cực của mình: "Có những đêm tôi đi bộ một mình giữa trời mưa tuyết. Người không có đủ tiền để đi taxi và đầu thì chỉ nghĩ về bữa cơm trắng với cá kho tiêu ở nhà của mẹ. Mỗi khi nghe khúc nhạc giáng sinh đâu đó vang lên, lòng chỉ muốn xách vali về nước ngay lập tức. Tôi tự hỏi tại sao phải chịu khổ ải thế này. Nếu ở Việt Nam làm ông giáo, không chừng tôi vui vẻ, hạnh phúc hơn. Sống ở xứ người chưa bao giờ là điều dễ dàng cả. Bạn có thể nhìn vào thấy tôi đăng ảnh ở nơi này nơi kia, nhưng chẳng mấy ai hiểu cái cô đơn, lạc lõng khi xung quanh đều là người lạ".
"Ăn bát cơm chan nước mắt đã nhiều. Những lần bị mắng chửi, bị gõ đầu trong nhà bếp là chuyện quá thường tình. Tôi lao vào việc kiếm tiền, tôi đi phụ bếp cho các quán ăn, nhà hàng. Kiếm được đồng nào bù vào chi phí sinh hoạt đồng ấy. Nhưng mọi thứ vẫn không đủ. Những ngày đầu lúc mới xin việc, cũng chẳng dễ chịu gì, mình là người Châu Á, hẳn nhiên khi đi đến đâu, người ta cũng có một chút ngờ vực. Rồi tôi bắt đầu tập trung học tiếng Pháp, vì mình phải giỏi ngôn ngữ của họ mới thêm được lòng tin".
"Đi làm đã khổ, bị ăn hiếp còn khổ hơn. Có lần trời mưa tuyết lạnh giá, tôi quăng chiếc xe đạp ở giữa đường rồi đi bộ về nhà luôn. Tức lắm, uất ức lắm. Tại sao mình bỏ tiền đi học mà lại lựa cái nghề khổ như này. Đã phải phục vụ khách, nay còn nai lưng cho đám bạn bè ăn hiếp. Mình bỏ tiền đi học chứ có phải xin của ai đâu. Tôi nghĩ như thế và bật khóc. Khổ quá rồi, nhớ nhà quá rồi. Biết làm sao để vượt qua những tháng ngày không tiền, không nhà, không người thân nơi đất khách quê người này? Đã thế, những người ở quê hương lại còn chê bai mình. Vẫn là cái câu nói, đàn ông con trai học bếp núc thì có mà mặc váy".
Sau 3 năm học tập vất vả, Alain Nguyễn cũng tốt nghiệp ra trường. Hỏi anh rằng đã chán nghề bếp khổ đến thế thì sao không về nước làm cậu ấm? Alain Nguyễn cười trừ: "Nghĩ vậy thôi chứ bỏ thì tiếc lắm. Tôi quăng xe đạp, đi bộ về nhà, tắm rửa, đi ngủ, hôm sau mọi thứ lại bình thường. Vẫn tất bật đến trường, học xong đi làm thêm. Vẫn bị mắng, nhưng chịu đựng ngày một giỏi hơn. Học xong 3 năm, tôi đi làm thêm mấy năm nữa, đến lúc này thì được cấp chứng chỉ hành nghề".
"Tôi quyết chí ở lại Pháp làm việc, tôi xin vào chân phụ bếp không lương cho các nhà hàng hạng sang nổi tiếng. Ban đầu lao chén dĩa, làm việc linh tinh, rồi từ từ được nấu. Nấu món rau, xong đến nấu món cá, kế đến làm món thịt, làm tráng miệng, cuối cùng là chế biến cả sốt. Rồi tôi lên bếp trưởng, có vị trí trong nghề. 24 năm gắn bó với bếp núc, tôi chỉ biết có món ăn và thực khách. Cảm giác người ta ăn đồ của mình rồi quay sang khen ngon nó hạnh phúc hơn được cho cả cục tiền".
44 tuổi và 24 năm trong nghề làm bếp, Alain Nguyễn luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc đến từng vị trí, từng nhà hàng mà anh đã làm việc. Có vai vế trong giới làm bếp, lại luôn được các tập đoàn ẩm thực, nhà hàng 5 sao chiêu mộ bằng mức lương hấp dẫn, Alain Nguyễn luôn là người đứng hàng đầu trong danh sách những đầu bếp tài giỏi nhất Việt Nam. Vậy nhưng, có một điều khá băn khoăn ở vị bếp trưởng này là sao anh mãi chẳng chịu lập gia đình. Chạm đến vấn đề riêng tư này, Alain thay đổi sắc mặt.
Không phải vẻ trầm tư hiện hữu, anh có chút bối rối, e dè: "Tôi là người không thích gắn bó cuộc đời với ai. 44 tuổi, đáng ra người khác đã có cháu luôn rồi. Nhưng tôi cứ yêu hết cô này đến cô kia, khi không còn gắn bó với nhau nữa thì chia tay. Người nói tôi đào hoa, có người nói tôi sát gái, nhưng tính cách phá phiêu bồng, chẳng muốn níu kéo ai. 2/3 số tiền tôi kiếm được là dành cho những chuyến đi...".
Nhưng một người làm bếp, chưa từng nếm trải cảm giác làm chồng, làm cha thì sao có thể nấu được những món ăn yêu thương tròn vị? Nghe đến câu hỏi này, Alain Nguyễn phá ra cười: "Tôi đã thay đổi suy nghĩ khi làm giám khảo Vua đầu bếp nhí. Thấy trẻ con nấu bếp, tôi bỗng dưng muốn có gia đình. Không dám tin là tôi lại nghĩ thế. Trước đây, đừng ai nói rằng có thể ép được tôi. Nhưng bây giờ, tôi thèm được bế trẻ con lắm. Có thể là 1 vài năm nữa, tôi cũng kết hôn rồi sinh con. Cái tư tưởng cưới vợ và ổn định cuộc sống bắt đầu gieo vào đầu. Chỉ là tôi vẫn thích làm việc, vẫn thích được nấu ăn. Tôi không muốn bất kỳ ai khác nhìn vào người đầu bếp mà có cái nhìn lệch lạc. Chuyện nấu nướng ở thế kỷ này, chẳng phải của riêng đàn bà. Và đàn ông nấu bếp cũng không mặc váy. Ông nào nghĩ, phụ nữ phải có nghĩa vụ nấu ăn, phục vụ cho gia đình bằng mọi giá thì vứt đi. Đàn bà họ khổ nhiều, họ sinh con, chăm sóc gia đình, bất cứ quý ông nào nếu có lương tâm cũng nên giúp đỡ cho những người phụ nữ đó. Đấy không chỉ là việc phải làm, mà còn chứng tỏ bản lĩnh của người đàn ông".
Khép lại câu chuyện với Alain Nguyễn bằng nụ cười vui vẻ. Anh vẫn hào hứng nói đến những dự án trong tương lai của mình. Nhẹ nhàng nhưng chan chứa niềm vui, Alain của thời điểm hiện tại vẫn lạc quan như cái cách anh đã sống cùng nghề bếp 24 năm qua. Gửi một lời chào thân thiện giữa mùa đông se lạnh, Alain Nguyễn hứa hẹn rằng sẽ sớm thông báo tin mừng khi vẫn rong ruổi trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Không phải một ông bếp trưởng mặt mày nhăn nhó, dễ nổi quạu với bất kỳ ai, Alain Nguyễn vẫn thanh tao, nhẹ nhàng, tận hưởng cuộc sống đẹp tươi của chính mình. Vì với anh, được sống trọn từng khoảnh khắc đã là món quà vô giá mà đất trời này dành cho.