Người đàn ông bị ho, hắt hơi nghĩ mình nhiễm Covid-19 do trong nhà có F0

Anh L.P (Hà Nội) chia sẻ chuyện gia đình họ hàng của anh đang sống trong TP.HCM. Gia đình có 6 người tất cả, 4 người nhiễm bệnh Covid-19, 2 người còn lại âm tính. Lúc này, căn hộ được chia đôi 2 tầng, tầng dưới dành riêng cho F0 đều được điều trị tại nhà. Còn lại những thành viên khác sẽ sống cùng nhau ở tầng 2.

Cách đây vài ngày, người cậu của anh P (một trong 2 người âm tính) bỗng nhiên bị ho, hắt hơi. Phỏng đoán rằng mình đã nhiễm bệnh Covid-19 do sống chung nhà với F0 nên cậu của P (có bệnh nền viêm gan B) đã tự ý lấy đơn thuốc được kê cho F0 trong gia đình để "điều trị" cho mình.

Ám ảnh Covid-19, nhiều người "áp" ngay đơn thuốc điều trị F0 tại nhà để rồi nhận cái kết cay đắng! - Ảnh 1.

Những loại thuốc mà người cậu của anh P dùng ngay khi xuất hiện hiện tượng ho dù không có kết quả test PCR.

Theo chia sẻ, cậu của P đã uống các loại thuốc: Telfor 180mg, Klamentin 875/125, Ambroxol 30mg, Ascorbic 500, Medrol 16mg, Magne - B6 Corbiere. Ông uống liên tục trong 5 ngày liền vì nghĩ bệnh này ban đầu có triệu chứng nhẹ, dùng thuốc sớm sẽ nhanh hết bệnh, tất nhiên bỏ qua bước kiểm tra xem mình có thật sự dương tính với SARS-CoV-2 hay không.

Sau 5 ngày liên tục uống thuốc vì cho rằng mình nhiễm bệnh Covid-19, bản thân lại có bệnh nền viêm gan B nên cần phải uống để giảm triệu chứng thì ông bị đi ngoài ra máu. Khi thấy hiện tượng bất thường đó ông đã uống thuốc cầm máu. Nhưng sau khi uống thuốc cầm máu thì ông không thể đi đại tiện. Trước những bất thường của cơ thể, lúc này ông hoảng sợ gọi xe nhập viện.

Đây chỉ là một trong số những trường hợp tự ý lấy toa thuốc của người khác dùng cho mình mà không qua chẩn đoán, xét nghiệm... Anh P cho biết thêm rằng trong xóm nơi gia đình bên ngoại anh P sống đã có nhiều người tự ý dùng thuốc điều trị cho F0 để uống dù không mắc bệnh. Hầu hết là những người xuất hiện triệu chứng như ho, sốt, vì quá lo lắng, sợ hãi đã vội vàng "tham khảo", sau đó mua và sử dụng những đơn thuốc được kê riêng cho F0 chứ không hề test xem có dương tính hay không.

Ám ảnh Covid-19, nhiều người "áp" ngay đơn thuốc điều trị F0 tại nhà để rồi nhận cái kết cay đắng! - Ảnh 3.

Nhiều người còn sợ xuất hiện triệu chứng bệnh nặng, sợ bị lôi đi cách ly nên tìm mọi cách để có triệu chứng bệnh nhẹ, để được cách ly tại nhà.

Có thể nói, khi gia đình có người nhiễm bệnh Covid-19 được cách ly và điều trị tại nhà thì nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên còn lại là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc tự chẩn đoán bệnh thông qua triệu chứng mà chưa được tiến hành test xem có dương tính hay không, từ đó tự ý uống thuốc được kê đơn cho F0 thì thật sự quá đỗi sai lầm.

Tự ý dùng thuốc kê đơn cho F0 điều trị tại nhà, hậu quả khó lường!

BS Dương Minh Tuấn (chuyên khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, để xác định một người có bị nhiễm Covid-19 hay không cần có test PCR xác nhận dương tính. Điều đó có nghĩa là chỉ khi bạn chắc chắn mình là F0 thì mới dùng thuốc chứ "F1 không được tự uống thuốc dự phòng khi chưa có chỉ định của bác sĩ".

Ám ảnh Covid-19, nhiều người "áp" ngay đơn thuốc điều trị F0 tại nhà để rồi nhận cái kết cay đắng! - Ảnh 4.

Để xác định một người có bị nhiễm Covid-19 hay không cần có test PCR xác nhận dương tính.

"F0 điều trị tại nhà có triệu chứng suy hô hấp mới dùng đơn thuốc được kê như trên. Trong đó có telflor (kháng histamin H1 giảm ho), klamentin (kháng sinh), medrol (chống viêm) là các thuốc chỉ dùng khi bác sĩ đánh giá đúng tình trạng suy hô hấp hay có nhiễm khuẩn của F0", BS Dương Minh Tuấn cho hay.

Theo chuyên gia, còn lại đa số các F0 không có triệu chứng chỉ dùng vitamin và súc miệng họng, rửa mắt mũi bằng nước muối sinh lý… "F1 chưa có bằng chứng test PCR dương tính hay F0 không có triệu chứng mà tự ý dùng thuốc của F0 có triệu chứng có thể gặp nhiều tác dụng phụ hơn", BS Tuấn nhấn mạnh.

Ám ảnh Covid-19, nhiều người "áp" ngay đơn thuốc điều trị F0 tại nhà để rồi nhận cái kết cay đắng! - Ảnh 5.

F1 chưa có bằng chứng test PCR dương tính hay F0 không có triệu chứng mà tự ý dùng thuốc của F0 có triệu chứng có thể gặp nhiều tác dụng phụ hơn.

Trong trường hợp cụ thể này, việc đi ngoài ra máu được BS Tuấn nhận định có thể do tác dụng phụ của Medrol gây xuất huyết dạ dày. "Thêm nữa bệnh nhân có tiền sử viêm gan B, sử dụng các thuốc trên có thể dẫn đến suy gan cấp nếu không được tư vấn từ bác sĩ", BS Tuấn cảnh báo.

Theo chuyên gia, người dân cần bình tĩnh, cẩn trọng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đối với các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ khi chữa bệnh tại nhà. Đối với các trường hợp người nhà của F0 hoặc người dân xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần tiến hành làm test PCR để nhận được kết quả chính xác, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý chẩn đoán bệnh, tự ý dùng thuốc vì có thể dẫn đến tiền mất tật mang vô cùng khó lường.