Những ngày này, tin tức tràn lan báo chí, mạng xã hội, khu chung cư, văn phòng. Đi đến đâu cũng là câu chuyện về việc kẻ biến thái trong thang máy "sàm sỡ", "cưỡng hôn" hay chính xác hơn phải định tội "quấy rối tình dục" đối với cô gái trẻ trong thang máy chung cư. Nơi vốn tưởng là an toàn nhất đối với phụ nữ vì có camera, dân trí khá cao và nhiều người ra vào thường xuyên.

Hạnh nhớ đến chồng mình, kẻ 2 năm trước cũng gây ra thứ tội lỗi nhơ bẩn đáng nhục nhã ấy. Thứ tội lỗi không thể hình sự hóa, chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng án phạt từ cuộc đời còn nặng hơn rất nhiều.

2 năm trước, chồng cô, một người đàn ông luôn mẫu mực, yêu vợ, thương con, kiếm tiền giỏi, không cờ bạc trai gái, không bia bọt quá chén bao giờ bỗng bị hỏi tội vì quấy rối con gái trong bể bơi. Hạnh chết lặng, hoang mang và không thể tin nổi những lời cô gái kia vừa khóc vừa kể trước mặt ban quản lý tòa nhà, tổ dân phố, công an phường và gia đình cô ấy.

Ám ảnh một gia đình có chồng quấy rối tình dục nơi công cộng: Án phạt qua mau, nỗi đau còn mãi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chồng cô, vẫn trơ trẽn đến phút cuối chối tội quanh co, xin lỗi vì vô tình đụng phải vòng ba của cô ấy khi bơi quá gần nhau trong bể đông người ở khu chung cư. Nhưng không, camera bể bơi đã ghi nhận sự việc, để cô gái trẻ thoát được tội vu khống.

Hình ảnh rõ nét được đưa ra ngay trong phòng khách nhà Hạnh, những đứa trẻ vừa đi học về khiến người lớn giật mình không kịp tắt màn hình. Chúng hét lên khi thấy bố mặc chiếc quần bơi, chạy theo tán tỉnh, lôi kéo, vỗ mông cô gái trẻ trong hình.

Những đứa trẻ đều hiểu đấy là cái gì? Bởi vì Hạnh vốn dạy con rất nhiều về bảo vệ thân thể, chống xâm hại tình dục, những quy tắc đặc biệt đối với từng giới tính. Cô sợ người khác làm hại con, không ngờ chồng mình cũng kẻ tội đồ. Chồng cô, lúc này mới cúi đầu nhận tội.

Án phạt tất nhiên rất nhẹ, cũng chả khác gì người đàn ông 200 nghìn kia. Bởi người sống dưới đất, pháp luật trên trời. Nhưng ngày hôm sau thì ác mộng ập đến nhà cô!

Dù chồng cô đã xin lỗi, tin tức tràn lên trên group chung của khu đô thị hơn mấy chục nghìn căn hộ sinh sống. Những lời bình luận, những kêu gọi trừng phạt nặng hơn nữa, những ý tưởng dán ảnh kẻ phạm tội ở nơi công cộng. Tên của anh xuất hiện khắp nơi. Bể bơi dán ảnh anh cấm xuất hiện.

Ám ảnh một gia đình có chồng quấy rối tình dục nơi công cộng: Án phạt qua mau, nỗi đau còn mãi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Con gái Hạnh đi học về khóc nức nở: "Các bạn gọi con là con của kẻ biến thái". Con trai cô lầm lì, đấm vào mặt bố khi bố lại gần, nó đã ăn đòn của bạn khi vô tình trêu một bạn gái ở lớp. Cô giáo, bạn bè đều biết bố nó là người như thế nào.

Những đứa con, chúng làm gì nên tội mà phải chịu sự phỉ báng vì tội lỗi của bố nó?

Trong vòng 3 ngày, tin tức đã lan xa ra khỏi khu đô thị, tràn lan trên facebook và những câu truyền miệng của hàng xóm. Chồng Hạnh không dám ra khỏi nhà. Tên, mặt mũi, địa chỉ căn hộ nơi gia đình cô sống trở thành thứ để người ta dè bỉu. 

Con cô từ chối đi học. Chúng sợ trường lớp, sợ bị chỉ mặt gọi tên.

Thứ cảm giác đau đớn, nhục nhã ê chề đeo bám khiến cô không muốn nhìn chồng nữa. Nó khiến cô muốn cắt đứt hết và đẩy anh ta đi thật xa.

Trước khi làm những việc đáng khinh bỉ, giá như đàn ông hiểu được con cái họ sẽ phải trả giá như thế nào!

Cô đã quỳ sụp dưới chân gia đình cô gái ấy, khóc và xin họ gỡ những bài đăng xuống, vì sự bình yên của những đứa trẻ. Rất may, gia đình cô gái ấy là những người tử tế, họ đồng ý gỡ thông tin trên mạng xã hội. Tin tức dần lắng xuống.

Gia đình cô bán nhà, chuyển đi nơi khác sống. Nhưng tiếng cười đã không còn trong gia đình nhỏ. Cô cũng thấy ghê sợ khi đụng chạm vào chồng mình. Khi không chịu đựng được nữa, cô đề nghị ly hôn để giải thoát cho mình và con cái.

Nhưng giống như một thứ thuốc độc, khi có sự kiện nào về "quấy rối tình dục", cô lại phải cúi mặt, vờ như không nghe thấy tiếng bình luận của đồng nghiệp, hay những cái liếc nhìn đầy sắc bén của họ.