Trưa 7/4, một cụ ông mặc bộ áo quần cũ mèm, đạp chiếc xe cà tàng trên đường Phan Chu Trinh - Hùng Vương (Đà Nẵng), ông dừng lại khi nhìn thấy tấm bảng được dựng vỉa hè. Lom khom lại gần, người đàn ông đã ngoài 60 tuổi tần ngần đọc dòng chữ: "Cơm miễn phí hỗ trợ khó khăn mùa dịch COVID - 19".
Thấy ông cụ chần chừ chưa bước vào, bà Bé (làm nghề nhặt ve chai) vội gọi: "Ông ơi, vào đây xếp hàng nhận cơm miễn phí. Cơm ở đây ngon lắm, trưa qua tôi vừa xin 1 suất, hôm nay đến xếp hàng để nhận tiếp đây. Mà ông nhớ đeo khẩu trang rồi đứng cách nhau 2 mét để bảo đảm an toàn nghe".
Mỗi ngày, hàng nghìn suất cơm miễn phí được phát tại những địa điểm công cộng ở Đà Nẵng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vượt qua "bão dịch".
Người lao động nghèo, bán vé số dạo vui mừng với những phần ăn nghĩa tình "cứu đói" trong thời gian khó khăn vì dịch Covid-19.
Những suất cơm đầy đủ chất dinh dưỡng được phát cho những người khó khăn trong mùa dịch.
Theo tìm hiểu, đây là 1 trong những điểm phát cơm miễn phí trong dịch Covid-19 của CLB “Bạn thương nhau”. Hiểu hoàn cảnh khó khăn của những người bán vé số, xe thồ, lao động nghèo, người khuyết tật... gặp khó khăn khi không có thu nhập trong mùa dịch. Anh Nguyễn Bình Nam (Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau) và những người bạn thiện nguyện đã lên kế hoạch vận động các mạnh thường quân đóng góp, ủng hộ kinh phí để nấu cơm trưa phát cho người nghèo.
Hoạt động phát cơm miễn phí được CLB "Bạn thương nhau" thực hiện từ ngày 6/4 đến hết ngày 16/4, với 5 điểm phát gồm: ngã tư Phan Châu Trinh - Hùng Vương, ngã tư Hải Phòng - Ông Ích Khiêm, ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Trưng Nữ Vương, số 515 Tôn Đức Thắng và số 592 Điện Biên Phủ.
5 điểm phát cơm trải rộng khắp các quận ở Đà Nẵng để những người khó khăn ở mọi nơi đều được nhận cơm. Đồng thời, đây cũng là cách để mọi người không tập trung đông tại một nơi, bảo đảm an toàn trong mùa dịch. Mỗi điểm 100 suất cơm mỗi ngày, kèm theo nước uống, khẩu trang cho những ai chưa có...
Mọi người đều ý thức việc đeo khẩu trang và xếp hàng trật tự giữ đúng khoảng cách 2m để chờ nhận cơm.
"Các cô, chú, anh chị đứng xếp hàng nhớ chú ý giữ khoảng cách nhau 2 mét và rửa tay trước khi nhận cơm giúp em với ạ", vừa tất tả chuẩn bị những suất cơm, anh Bình Nam vừa liên tục nhắc nhở những nhân viên quán thu xếp để những người lấy cơm giãn khoảng cách. Đặc biệt, nhóm còn cử một thành viên làm nhiệm vụ xịt nước rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang cho những người chưa có trước khi nhận cơm.
Anh Nam cho biết thêm, thời gian tới, anh sẽ vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm, thực phẩm cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để an tâm hơn trong những ngày thực hiện cách ly tại nhà.
Các tình nguyện viên cũng luôn nhắc nhở mọi người rửa tay sát khuẩn trước khi nhận cơm.
"Ngoài 5 điểm phát cơm miễn phí trên, chúng tôi đang tìm thêm các địa điểm khác để ngày càng có nhiều người được nhận cơm miễn phí. Trước mắt, chúng tôi sẽ phát mỗi ngày 500 suất cơm đến hết ngày 16/4. Sau thời gian này, nếu có chỉ đạo tiếp tục thực hiện cách ly xã hội và tùy vào sự chung tay của mọi người, chúng tôi sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ đến những người khó khăn", anh Nam, chia sẻ.
Anh Hồ Ngọc Thanh (đầu bếp chính phụ trách nấu cơm) cho biết, thực đơn mỗi bữa gồm 2 món mặn, 1 món canh, 1 món rau và cơm. Thực đơn được thay đổi hàng ngày để người ăn không ngán.
"Từ sáng sớm, chúng tôi đến chợ đầu mối để mua rau, củ quả tươi; xuống bến cá để mua được cá tươi ngon nhất. Thực phẩm được các tình nguyện viên chế biến cẩn thân và đóng hộp để đưa đến điểm phát. Để bảo đảm vệ sinh, an toàn trong mùa dịch, mọi người khi tham gia sơ chế, nấu ăn, phát cơm đều đeo khẩu trang, đeo găng tay đầy đủ và sát khuẩn tay thường xuyên...", anh Thanh, nói.
Giữa cơn bão dịch, những bữa cơm miễn phí mỗi ngày sẽ phần nào giúp với những người nghèo, khuyết tật, người già neo đơn,... vơi bớt một đi một phần khó khăn trong những ngày cách ly xã hội.
Vừa nhận suất cơm từ tình nguyện viên, ông Lê Văn Ba (54 tuổi, làm nghề đạp xích lô) gật đầu cảm ơn liên tục. Ông Ba cho biết, vì dịch bệnh nên hơn một tháng nay ông gần như "thất nghiệp", bữa cơm trưa hàng ngày vì thế cũng trở nên chật vật hơn.
"Từ lúc có dịch, tôi hầu như không có việc làm, khách ế ẩm quá. Suốt mấy hôm nay ngày nào tôi cũng nhai bánh mỳ rồi uống nước cho xong bữa vì không kiếm được tiền. Những bữa cơm cơm miễn phí thế này rất ý nghĩa với người lao động nghèo như chúng tôi trong thời điểm khó khăn này", ông Ba, tâm sự.
Anh Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm CLB “Bạn thương nhau”, cho biết sẽ cố gắng mở khoảng 10 điểm phát cơm để có thể hỗ trợ nhiều hoàn cảnh hơn nữa.
Lụi hụi xếp hàng chờ đến lượt, chị Nguyễn Thị Thu (36 tuổi, làm nghề bán vé số) năn nỉ được xin thêm 1 hộp cơm vì ở nhà còn có con nhỏ. Sau khi được 1 bạn tình nguyện viên tặng 2 hộp cơm, kèm 2 chai nước suối, chị Thu xúc động chia sẻ: "Mấy hôm nay không đi bán vé số được nên tôi cũng không biết lấy gì ăn và nuôi con. May hôm nay nhận được cơm miễn phí. Nghe nói những ngày tiếp theo cũng sẽ được nhận tiếp, tôi mừng lắm. Những phần cơm này có thể không là gì với nhiều người, nhưng với những người nghèo như chúng tôi thì thời điểm này quý giá lắm".
Đặc biệt, ngoài 5 điểm phát cơm miễn phí của CLB "Bạn thương nhau" thì tại Đà Nẵng cũng xuất hiện nhiều điểm phát cơm miễn phí khác để chung tay chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, phải kế đến điểm phát cơm tại số 291 Phan Châu Trinh, số 31 Yên Bái… của anh Phạm Thanh, một trong những mạnh thường quân làm thiện nguyện nổi tiếng tại Đà Nẵng.
Những người nghèo xếp hàng không chen lấn nhận phần cơm ý nghĩa trong đợt dịch.
Được biết, mỗi ngày anh Phạm Thanh phát khoảng 500 suất cơm miễn phí cho những người cần. Ngoài ra, những ngày qua, anh Thanh còn phát hàng chục tấn gạo và hàng nghìn thùng mì tôm, khẩu trang, thuốc vitamin C,... cho người lao động nghèo.
"Thấy bà con lao động nghèo bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19 kéo dài, nên tôi chia sẻ cho họ những suất cơm để đỡ bớt một phần khó khăn. Nếu mọi người đến lấy giữ trật tự, ổn định và đeo khẩu trang, tuân thủ xếp hàng cách nhau 2 mét để đảm bảo an toàn đảm bảo an toàn thì tôi sẽ phát cơm miễn phí cho đến khi hết dịch", anh Phạm Thanh, chia sẻ.