Bé được mẹ đưa đến khám tại một bệnh viện tư nhân ở Phú Thọ sau khi có kết quả âm tính SARS-CoV-2 được 15 ngày. Suốt 2 tuần khi đã khỏi bệnh, bé không còn bất kì triệu chứng nào như ho, sốt,… Tuy nhiên cách 2 ngày vào viện bé xuất hiện ho khan nhiều, không có đờm, không đau ngực, gia đình đã đưa bé đến bệnh viện khám.

Bé gái 10 tuổi nhập viện vì biến chứng không ngờ của hậu COVID-19  - Ảnh 1.

Bé gái cần nhập viện điều trị biến chứng viêm phổi sau khi đã khỏi COVID-19. Ảnh: BVCC

Bác sĩ tư vấn bé cần nhập viện điều trị vì bé thở hụt hơi, phổi thông khí kém, kết quả chụp cắt lớp vi tính ngực cho thấy hình ảnh viêm phổi. Kết quả khám của bé khiến gia đình bất ngờ vì sau khi khỏi bé không hề có biểu hiện bất thường nào của sức khoẻ trong 15 ngày.

Theo các bác sĩ, hầu hết các trẻ mắc COVID-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, một số ít trẻ có triệu chứng hậu COVID-19 hay "COVID kéo dài" ở các mức độ. BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM - cho hay theo các nghiên cứu ở các nước, tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 đã khỏi nhưng vẫn bị triệu chứng hậu COVID-19 chiếm 6-15%.

PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương – cũng cho hay biểu hiện của hậu COVID-19 với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch thường xảy ra như sau: Sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc.

Một số bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ hay các rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Cá biệt có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

Biến chứng hậu COVID-19 đáng lo ngại nhất ở trẻ em là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C), tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu…. Thực tế các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi đồng TP HCM, Nhi đồng Đồng Nai, Phú Thọ hay Hải Phòng… đã tiếp nhận, điều trị một số trường hợp mắc biến chứng này.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết tất cả trẻ em không nhất định phải tái khám hậu COVID-19 vì ít trẻ mắc di chứng này và không nghiêm trọng như người lớn. Hầu hết triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi... ở giai đoạn cấp, trẻ sẽ lướt qua dễ dàng, không để lại di chứng kéo dài khi khỏi bệnh. Tại Bệnh viện Nhi đồng TP, trung bình mỗi tuần chỉ có khoảng 3-5 trẻ đến khám hậu COVID-19.

Với trẻ nhỏ, thực tế từ các phòng khám hậu COVID-19 cho thấy trẻ thường được đến khám cùng bố mẹ (gia đình có nhiều người mắc bệnh), ít có các triệu chứng hậu COVID-19 hơn người trưởng thành.

"Nhiều trẻ em đến khám chỉ vì bố mẹ lo lắng" – BS Đinh Thế Tiến, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - nhận định.

Với hội chứng MIS-C, TS.BS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, hội chứng này thường xảy ra sau khi em bé mắc COVID-19 từ 2-6 tuần. Biểu hiện lâm sàng của trẻ mắc hội chứng MIS-C là: Bé sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc…

Bé gái 10 tuổi nhập viện vì biến chứng không ngờ của hậu COVID-19  - Ảnh 3.

Dấu hiệu phát ban trên cơ thể trẻ cảnh báo hội chứng MIS-C nguy hiểm. Ảnh: BVNĐTP

Người mắc hội chứng này sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch và có thể tử vong nếu không được xác định, điều trị sớm. Bệnh khó chẩn đoán và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tương tự khác.

Tỷ lệ trẻ mắc MIS-C rất thấp, chỉ khoảng 0,1%, thường gặp ở nhóm 8-11 tuổi, trẻ thừa cân béo phì có nguy cơ bị MIS-C nặng hơn.

"Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện hội chứng MIS-C sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt" – BS Tuấn nói.