Muối không tốt cho sức khỏe nhưng natri, loại khoáng chất có nhiều trong muối, lại vô cùng cần thiết cho cơ thể. Đây là chất điện giải rất quan trọng giúp duy trì cân bằng chất lỏng, dẫn truyền các xung thần kinh và hỗ trợ co cơ.
Dù cơ thể cần đủ khoáng chất để hoạt động hiệu quả, bổ sung quá nhiều natri trong chế độ ăn có thể gây hại cho sức khỏe.
Dưới đây là những dấu hiệu các chuyên gia cảnh báo bạn có thể đang ăn quá nhiều muối và cách khắc phục tình trạng này:
Thường xuyên khát nước
Cảm thấy khô miệng khi tiêu thụ đồ ăn mặn là hiện tượng không hề xa lạ. Khi các chất hòa tan như natri bắt đầu tăng lên trong máu, não và thận sẽ hoạt động để lấy lại sự cân bằng. Cơ thể kích hoạt hormone chống bài niệu nhằm giữ chất nước và làm loãng lượng natri tăng đột biến. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Current Biology vào năm 2016, cảm giác khát có thể là do não bộ kích thích hệ thần kinh.
Khi bị mất nước, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng dễ thấy nhất như khô miệng và khô da. Tracy Lockwood Beckerman, chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của cuốn sách The Better Period Food Solution cho biết, cơ thể đang yêu cầu bạn uống nước để bù đắp lượng chất lỏng bị mất đi trong tế bào do quá trình làm loãng natri.
Đầy hơi sau bữa ăn
Bạn đã bao giờ bị đầy hơi sau khi dùng những món ăn mặn chưa? Kate Patton, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Human Nutrition trực thuộc Viện Cleveland cho biết, càng hấp thụ nhiều muối thì cơ thể càng giữ lại nhiều nước.
Chuyên gia Beckerman khuyên, nếu muốn chống lại cảm giác đầy hơi và tránh uống nhiều nước, mọi người nên đi dạo sau bữa ăn hoặc dùng một tách trà với chanh. Cách giải quyết tốt nhất là sử dụng các loại gia vị và thảo mộc tự nhiên như húng quế, hương thảo, ớt bột, nghệ thay cho muối trong quá trình chế biến món ăn.
Cảm thấy đồ ăn làm tại nhà nhạt nhẽo
Thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói như xúc xích, thịt nguội đang trở thành nguồn cung cấp natri chủ yếu của không ít người. Trên thực tế, theo một công bố trên Tạp chí Huyết áp Hoa Kỳ, những người tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hơn so với người khác.
Trong khi đó, chuyên gia Patton cho hay, thực phẩm tự nhiên như trái cây, rau, ngũ cốc và các loại hạt lại sở hữu hàm lượng natri thấp. Đây là điều đáng mừng nhưng có thể gây ra vấn đề cho những người quen ăn thực phẩm chế biến sẵn và dùng bữa tại nhà hàng.
Chuyên gia Beckerman lưu ý: “Tiêu thụ nhiều thực phẩm chiên, xào chứa nhiều muối có thể khiến vị giác của bạn quen với một mức độ mặn nhất định. Kết quả là các món ăn tự nấu tại nhà trở nên nhạt nhẽo và khiến bạn phụ thuộc vào đồ ăn sẵn. Thực sự là một vòng luẩn quẩn”.
Huyết áp tăng cao
Theo Tạp chí Harvard Health Publishing, muối không phải là thứ duy nhất có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Những yếu tố khác như di truyền, tâm lý, cân nặng, thói quen sống và mức độ hoạt động thể chất cũng đóng vai trò không nhỏ. Dù vậy, việc tiêu thụ lâu dài các thực phẩm giàu natri là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng tăng huyết áp.
Tất cả lượng chất lỏng được giữ lại tác động lên mạch máu. Theo thời gian, áp lực này cản trở quá trình lưu thông bình thường của máu và oxy đến các cơ quan, khiến tim khó bơm máu hơn và hạn chế hoạt động bù đắp chất lỏng, cân bằng điện giải của thận.
Theo chuyên gia Laffin, nếu cao huyết áp không được kiểm soát trong thời gian dài, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, suy tim và bệnh thận mãn tính. Mặc dù không có mối liên hệ rõ ràng, một số dữ liệu đã cho thấy rối loạn huyết áp lâu dài có khả năng dẫn tới mất trí nhớ hoặc suy giảm nhận thức.
Nếu bạn đang muốn bắt chước các món ăn làm tại nhà hàng mà không lạm dụng quá nhiều muối và chất béo, hãy cân nhắc mua nồi chiên không dầu, nồi hầm hoặc máy sấy. Những phương pháp nấu ăn với thiết bị này không yêu cầu sử dụng quá nhiều muối và dầu.
(Nguồn: Livestrong)