Sáng 4-5, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết bệnh viện đang điều trị 4 người bị ngộ độc do ăn cá nóc.
Hiện nay, 4 người điều trị tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi và 1 người được điều trị tại Khoa Nhi tiêu hóa Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.
Theo nhận định của các bác sĩ, cả 5 bệnh nhân đều bị ngộ độc ở mức độ nặng. Sau 1 ngày điều trị, các triệu chứng ngộ độc vẫn còn, nên cần tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại bệnh viện.
Anh T.V.T. (40 tuổi; xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) cho biết tối 2-5, cả gia đình12 người cùng ăn tối, trong đó có món cá nóc. Sau đó vài giờ, 5 người xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, nôn ói, đi ngoài...
"Đến sáng 3-5, tình hình sức khỏe không tốt hơn nên 5 người chúng tôi được người nhà đưa đi nhập viện ở Lý Sơn. Đến chiều cùng ngày, cả 5 người được đưa vào đất liền để điều trị" - anh T. kể.
Bác sĩ Phạm Trung Hiếu, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, cho biết cá nóc có độc chất Tetrodotoxin. Đây là một loại độc tố thần kinh, độc gấp hơn 1.000 lần so với xyanua. Bình thường nó tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố Tetrodomin không độc. Nhưng khi cá bị ươn hoặc bị va đập, tiền chất Tetrodomin sẽ biến đổi thành chất độc.
Trường hợp ngộ độc nặng sẽ bị liệt toàn thân, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Tỉ lệ tử vong rất cao nếu cấp cứu chậm.
"Đến nay, ngộ độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc cá nóc, biện pháp hữu hiệu nhất là không ăn bất cứ thực phẩm nào được chế biến từ loại cá này"- bác sĩ Hiếu khuyến cáo.