Cuộc nghiên cứu mang quy mô quốc tế do Đại học Trung Quốc ở Hong Kong thực hiện cho thấy hiện tượng tăng nhẹ glucose ở các bà bầu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với đứa trẻ.
Cụ thể, trẻ em sẽ đối mặt với nguy cơ mắc tiểu đường béo phì tăng cao nếu người mẹ tăng quá nhiều hoặc quá ít cân nặng trong thai kỳ. Mức tăng dù chỉ nhẹ hàm lượng glucose ở bà bầu được chỉ ra là có liên quan đến việc trẻ sinh ra thừa cân, làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 800 cặp mẹ con ở Hong Kong trong suốt 11 năm. Đây là một phần trong nghiên cứu về Kết quả tiêu cực của Thai kỳ và chứng Tăng đường huyết quy mô lớn hơn, có sự tham gia của 25.000 phụ nữ mang thai từ 15 trung tâm trên toàn thế giới.
Nghiên cứu cũng bác bỏ quan điểm "mẹ bầu nên ăn cho hai người". Giáo sư Tam Wing-hung - Khoa Sinh sản và Phụ khoa cho biết có mối quan hệ hình chữ U giữa tình trạng tăng cân của mẹ với nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở con.
"Cân nặng tăng quá nhiều hoặc quá ít đều gây ra các vấn đề về sức khỏe. Ví dụ, cao huyết áp, tình trạng kiểm soát lượng đường huyết kém hơn ở trẻ em", Giáo sư Tam lý giải.
Trong khi đó, Giáo sư Ronald Ma Ching-wan - chuyên gia nội tiết, tiểu đường và trao đổi chất cho biết, họ thậm chí còn phát hiện những người mẹ có mức tăng rất nhẹ glucose khi mang thai - một hội chứng được gọi là tiểu đường thai kỳ thì đứa trẻ khi sinh ra nguy cơ bị tăng đường huyết hoặc mắc tiểu đường trước khi lên 7 tuổi cũng đã cao gấp 3 lần.
"Trước năm 11 tuổi, những đứa trẻ có mẹ bị tiểu đường thai kỳ, nguy cơ bị béo phì cao hơn những trẻ khác 50%", Giáo sư Ma khẳng định.
Kết quả nghiên cứu trên cũng đồng nghĩa với việc, mặc dù tiểu đường không phải là bệnh truyền nhiễm, nguy cơ bệnh truyền từ mẹ sang con là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo một nghiên cứu khác, các nhà khoa học tiến hành kiểm tra mức độ hiệu quả của Chương trình Thay đổi Lối sống do Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng, Đại học Trung Quốc ở Hong Kong phát triển để giúp mọi người giữ cân nặng lành mạnh.
Tổng cộng 220 phụ nữ mang thai có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ đã tham gia nghiên cứu và được chia thành một nhóm thực hiện chương trình thay đổi lối sống, nhóm còn lại thì không.
Ruth Chan Suk-mei - nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng cho biết, chương trình thay đổi lối sống "tỏ ra hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng tăng cân quá nhiều trong thai kỳ và chất lượng dinh dưỡng ở các phụ nữ mang thai".
Bernice Cheung Ho-ki - chuyên gia về các chế độ ăn đã có chứng nhận hiện làm việc ở trung tâm gợi ý: phụ nữ mang thai nên ăn lượng thực phẩm được chia đều trong ngày và chuẩn bị sẵn những món ăn vặt tốt cho sức khỏe.
"Với những người ăn tối bên ngoài trong phần lớn thời gian, họ nên tránh ăn súp và uống nước ngọt có ga, loại bỏ da và mỡ động vật cũng như tránh thịt băm nhỏ".
Hướng dẫn của Viện Y học Mỹ khuyến nghị mức tăng cân ở phụ nữ với chỉ số cơ thể bình thường BMI là 18,5-24,9 nên là 11-16kg. Với những người có chỉ số BMI dưới 18,5, họ nên tăng trong khoảng 13-18kg. Mức tăng cân được khuyến nghị với những sản phụ thừa cân là 7-11kg. Trong khi đó, với sản phụ béo phì thì con số này là 5-9kg.
Nguồn: SCMP