Xung quanh thực trạng đáng báo động này, phóng viên VTV News vừa có cuộc phỏng vấn với TS.BS.Tôn Thất Minh, Chủ tịch phân hội Nhịp tim Việt Nam.
PV: Thưa bác sĩ, có phải bệnh nhân cao huyết áp đang ngày càng trẻ hóa?
TS.BS.Tôn Thất Minh: Đúng vậy, đây là nhận xét hoàn toàn chính xác và đúng theo thống kê về khoa học. Ở Việt Nam chúng ta vào những năm 1960, tỷ lệ dân số bị cao huyết áp chỉ chiếm 1%. (đây là con số tương đối bởi thời kỳ đó chúng ta chưa có điều tra dịch tễ). Nhưng mà đến năm 2008 thì tỷ lệ này đã tăng lên tới 25,5%. Và người ta ước tính đến năm 2050 thì con số này có thể lên tới trên 30%.
Như vậy, nhìn vào bối cảnh chung có thể thấy tỷ lệ người dân mắc cao huyết áp càng ngày càng tăng lên. Và trong thời gian gần đây, người ta thấy tỷ lệ tăng huyết áp ở người trẻ ngày càng tăng lên.
PV: Vậy đâu là nguyên nhân khiến người trẻ bị cao huyết áp ngày càng nhiều, thưa bác sĩ?
TS.BS.Tôn Thất Minh: Riêng với người trẻ, cuộc sống xã hội bây giờ quá căng thẳng. Họ làm việc với tốc độ cao hơn. Lối sống của họ cũng có nhiều thay đổi.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp
- Chế độ ăn nhiều muối.
- Rối loạn lipid máu.
- Tuổi tác.
- Tiền sử gia đình.
- Lối sống lười vận động.
- Tổng trạng thừa cân - béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Uống quá nhiều bia rượu.
Ví dụ họ sẽ ăn nhiều thức ăn nhanh hơn. Họ sẽ uống bia rượu nhiều hơn. Họ thức khuya làm việc nhiều hơn, áp lực công việc lớn hơn và những đòi hỏi, nhu cầu của xã hội mà họ phải đáp ứng nhiều hơn. Cho nên tỷ lệ tăng huyết áp ở người trẻ tăng lên chủ yếu do lối sống xã hội đưa đẩy đến.
PV: Nhiều người trẻ thường không có thói quen đo huyết áp, nhưng thi thoảng họ cảm thấy căng thẳng, hồi hội và đặc biệt tim đập mạnh. Bác sĩ có thể cho biết liệu có mối liên hệ giữa nhịp tim và tăng huyết áp hay không?
TS.BS.Tôn Thất Minh: Đây là thông tin quan trọng. Tôi xin nhắc là trước đây khi mà chúng ta điều trị cao huyết áp, đặc biệt là những người không có chuyên môn về y khoa hay thậm chí cả một số người có chuyên môn, người ta chỉ quan tâm đến chỉ số cao huyết áp không thôi. Mặc dù máy đo huyết áp tự động bây giờ chúng ta hay sử dụng có đến 3 thông số: Số trên cùng là tâm trương, số ở giữa là tâm thu và số cuối là nhịp tim. Nhưng người ta thường chú ý đến chỉ số huyết áp thôi chứ ít để ý đến chỉ số nhịp tim. Nhưng rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng: Nhịp tim đóng vai trò quan trọng trong các biến cố tim mạch, các tai biến do cao huyết áp.
PV: Vậy theo các khuyến cáo, nhịp tim ở mức bao nhiêu là tốt thưa bác sĩ?
TS.BS.Tôn Thất Minh: Theo khuyến cáo của Hội cao huyết áp châu Âu, nhịp tim ở người cao huyết áp thì chúng ta nên giữ ở mức 80 nhịp/phút. Nếu chúng ta để trên 80 nhịp/phút thì nó dễ dẫn đến biến cố tim mạch. Hiện có khoảng 30% bệnh nhân cao huyết áp có nhịp tim trên 80 nhịp/phút và đây là trở ngại với công tác điều trị nếu chúng ta không chú ý đến nhịp tim. Còn đối với một số bệnh lý khác như bệnh nhân suy tim thì chúng ta cần duy trì nhịp tim lúc nghỉ dưới 70 lần/phút. Bệnh nhân mạch vành cần duy trì nhịp tim lúc nghỉ từ 55-60 nhịp/phút.
Tuy nhiên cần lưu ý là nhịp tim còn phụ thuộc vào tính chất sinh lý của mỗi người. Nếu một người trẻ hoạt động nhiều, ví dụ như chơi thể dục thể thao nhiều thì nhịp tim của họ có thể thấp, dưới 60 nhịp/phút, do họ vận động nhiều nên quả tim của họ khỏe, nó không cần phải đập nhiều. Cho nên khi bệnh nhân đến khám chúng ta phải hỏi kỹ xem họ có chơi thể dục thể thao nhiều không. Nếu có thì dù nhịp tim họ chậm, chúng ta cũng không kết luận là họ bị bệnh lý. Cần cho họ gắng sức để xác định đó là nhịp tim bệnh lý hay sinh lý. Bởi khi họ gắng sức thì nhịp tim có thể vẫn tăng lên mức như bình thường. Cho nên vấn đề nhịp tim chậm đôi khi không cần quá lo lắng. Nếu không có triệu chứng gì và mình vẫn sinh hoạt bình thường thì đó không phải bệnh lý.
PV: Trước những mối lo của người trẻ về ẩn họa cao huyết áp, bác sĩ có lời khuyên nào dành cho họ?
TS.BS.Tôn Thất Minh: Trong những người bị cao huyết áp người ta chia thành 2 nhóm nguy cơ. Thứ nhất là nhóm nguy cơ không thể thay đổi được, như là tuổi tác, giới tính. Tuy nhiên còn có nhóm nguy cơ liên quan đến lối sống có thể thay đổi được để mình cải thiện tỷ lệ tăng huyết áp, ví dụ như chế độ ăn uống, tập thể dục, chúng ta cần tăng cường chế độ ăn lành mạnh và chăm chỉ thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe... Đồng thời cần loại bỏ những thói quen không tốt về ăn ngủ, sinh hoạt.. thì chúng ta sẽ giảm thiểu được nguy cơ bị tăng huyết áp.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
Tăng huyết áp ở người trẻ thường bị tăng số huyết áp dưới, ví dụ 120/95mmHg, trong khi tăng huyết áp ở người cao tuổi thường là tăng số huyết áp trên, ví dụ 170/80mmHg. Dấu hiệu không điển hình của tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp...