Tuy nhiên, nếu không biết cách chế biến, ấu trùng trong lươn có thể gây viêm phổi, tràn dịch màng phổi, đau bụng, rối loạn tiêu hoá, viêm tụy cấp và thần kinh...

Theo Đông y, lươn vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, ôn dương, ích tỳ, bồi bổ can thận, làm mạnh gân cốt, khử phong thấp, thông kinh mạch được dùng chữa các chứng lao lực, ho hen, tiêu khát, gân xương đau nhức, cơ thể suy nhược.

Thịt lươn là một thực phẩm quý, nhiều chất dinh dưỡng, nhưng nhất thiết phải được đun nấu thật chín trước khi ăn. Cần chú ý, trong thịt lươn thường có một loại ấu trùng ký sinh sống rất dai và chịu được nhiệt. Nếu ta chỉ xào qua, những ấu trùng này vẫn còn sống sẽ theo thức ăn vào cơ thể người gây bệnh.

Nhất thiết phải đun nấu thịt lươn thật chín trước khi ăn.
 

Thông thường chỉ nửa tháng sau khi ăn phải ấu trùng sán trong thịt lươn người bệnh sẽ bị sốt cao, chán ăn, trên da xuất hiện nhiều nốt đỏ giống như nổi mày đay, sau đó thấy nổi lên những u cục dưới da.

Sờ vào những u cục này thấy có cảm giác nhúc nhích và thay đổi vị trí dễ dàng. Những ấu trùng này có thể chui qua vách dạ dày và di chuyển khắp nơi trong cơ thể như gan, phổi, ổ bụng, gây viêm phổi, tràn dịch màng phổi, đau bụng, rối loạn tiêu hoá, viêm tụy cấp...

Nguy hiểm hơn nữa chúng có thể vào tuỷ sống, vào não, gây nôn, rối loạn tâm thần, co giật, động kinh. Bệnh cần được phát hiện và điều trị thật sớm, nếu để muộn rất nguy hiểm và khó chữa. Vì vậy, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khi ăn lươn cần chú ý:

- Phải xào nấu món ăn thật chín, bảo đảm trong thịt lươn không còn mầm bệnh và ký sinh trùng sống sót.

- Các bà nội trợ khi mua lươn phải chọn lọc cẩn thận, kiên quyết không mua những con đã chết hoặc ươn về chế biến. Thịt lươn rất giàu protein, trong đó có histidine rất tốt cho cơ thể, nhưng khi lươn chết, những chất này bị vi khuẩn phá huỷ, sản sinh ra histamine là một chất độc. Người ăn phải chất độc này với một hàm lượng nào đó sẽ bị ngộ độc nguy hiểm.

Theo BS Kim Minh
Bee