Giá trị dinh dưỡng của mứt Tết

Mứt được chế biến từ các loại rau, quả, củ như khoai lang, bí đao, cà chua, gừng, hồng, đào… và chứa nhiều thành phần tốt cho cơ thể như đường bột, protein, axit hữu cơ, vitamin và khoáng chất... Trong một số loại mứt Tết còn chứa cả các chất chống lão hóa. 

Mỗi loại mứt đều có một công dụng khác nhau, ví dụ như mứt gừng làm ấm tỳ vị, chống nôn, giải độc, chữa ho… Mứt  sen giúp an thần, giảm stress, chống suy nhược; Mứt hồng chống suy nhược, chữa ho, tiểu đêm; Mứt khoai lang giúp nhuận trường, chống táo bón; Mứt cà chua, cà rốt có tác dụng sáng mắt, đẹp da, ngừa ung thư tuyến tiền liệt...

mứt tết
Nếu ăn vừa phải, mứt Tết cũng đem lại lợi ích cho sức khỏe (ảnh minh họa).

Những người không nên ăn mứt Tết

Theo BS Thu Hoài, BV Thanh Nhàn, khi dùng mứt trong ngày Tết chúng ta cần lưu ý: Do mứt được bọc đường là chính không cung cấp đủ thành phần dưỡng chất nhất là các vitamin, khoáng chất cho cơ thể so với lúc còn tươi, vì vậy, cần hạn chế ăn, đặc biệt là tránh ăn thay thế cho các thực phẩm khác .
 
Hạn chế mua mứt màu sắc sặc rỡ vì nó chứa nhiều phẩm màu , không nên ăn các loại mứt có biểu hiện chảy nước mùi vị khác vì có thể mứt đã bị hư.
 
Do hiện nay có nhiều cơ sở làm mứt không được bảo sạch sẽ nếu không quá bận rộn, mỗi gia đình có thể tự chế biến mứt cổ truyền cho ngày tết, vừa đảm bảo ATTP vừa giữ được hương vị ngày tết.

Mặc dù là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng các loại mứt Tết thường chứa nhiều đường và không phải luôn thích hợp với tất cả mọi người.

Một số người không nên ăn mứt Tết bao gồm:

Người béo phì 

Do đặc điểm của mứt được bao bọc đường nên rất ngọt, với những người béo không nên sử dụng. Nếu chúng ta ăn quá nhiều có thể dẫn đến ăn ít trong bữa chính. Hậu quả là gây ra cảm giác mệt mỏi do cơ thể chỉ nhận năng lượng từ đường mà thiếu các chất đạm, béo, vitamin, khoáng chất.

Người bị đái tháo đường

Bởi vì mứt Tết chứa nhiều đường nên những người có tiền sử mắc bệnh đường cần tránh ăn mứt. Nếu rất thèm thì có thể ăn chút ít nhưng phải ăn ăn sau bữa chính và bớt chất bột đường trong bữa chính trước đó.

Phụ nữ mang thai

Mứt tuy được làm từ trái cây hoặc củ nhưng đã mất hết vitamin và thành phần chủ yếu của mứt chỉ là đường ngọt nênkhông hoàn toàn có lợi cho thai phụ.

Phụ nữ mang thai cần chọn lựa thực phẩm có dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin và khoáng chất hơn là chỉ giàu năng lượng. Nếu ăn nhiều mứt, sản phụ sẽ tăng cân nhanh nhưng không có dưỡng chất cần cho thai nhi tăng trưởng và thậm chí tăng nguy cơ tiểu đường thai kì.

Trẻ nhỏ

Do lượng đường trong mứt Tết khá nhiều nên trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa kém không nên ăn nhiều. Bên cạnh đó, nếu trẻ ăn quá nhiều mứt có thể có cảm giác no, không ăn được thức ăn chính nên dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng.

Phân  biệt để tránh mua phải mứt chứa hóa chất

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại mứt khác nhau, tuy nhiên để tránh mua phải những loại mứt Tết chứa nhiều chất bảo quản người tiêu dùng cần lưu ý:

Khi chọn mua bánh mứt nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu và địa chỉ rõ ràng. Cũng như các loại mứt có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng.

Hạn chế chọn mứt có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng là do sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người sử dụng có thể dẫn đến nhiều chứng bệnh về ung thư, rối loạn tiêu hóa thần kinh...

Nên mua mứt có màu sắc tự nhiên như màu trắng sẽ ít có phẩm màu. Dùng các giác quan như: nhìn, ngửi, sờ, nếm... để phát hiện mứt có bị mốc, mùi hôi, chảy nước, mùi chua hay không.

1
Hạn chế chọn các loại mứt chứa nhiều phẩm màu (ảnh minh họa).

Lưu ý cách bảo quản mứt ngày Tết

Các loại mứt dùng trong ngày Tết muốn giữ được lâu nên cho mứt vào trong một hũ thủy tinh rồi đổ một lớp đường trắng lên trên sẽ đảm bảo được mứt giữ mùi thơm ban đầu và không bị chảy nước, vì đã có lớp đường ở trên hút ẩm. 

Mứt Tết thường chứa nhiều đường nên cần bảo quản ở nơi khô ráo, nhiệt độ thấp. Tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp, những nơi nóng khiến mứt bị chảy nước, mềm, mất độ giòn thơm.

Tuyệt đối không bảo quản mứt trong ngăn đá của tủ lạnh, vì khi chúng ta lấy ra sử dụng nhưng dễ làm hỏng mứt, mứt sẽ bị chảy nước khi đưa ra ngoài môi trường làm cho vi khuẩn xâm nhập khi ăn vào dễ gây ngộ độc.

Đối với những loại mứt đã được dọn ra ăn còn lại nên đậy kín sau khi dùng. Tuyệt đối tránh đổ mứt ăn thừa vào với những túi mứt chưa sử dụng để tránh bị hư hỏng.

Vừa qua, ngày 19.1 chúng ta  biết đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP Bộ Y tế đã đi kiểm tra các cơ sở làm mứt tại Từ Liêm, trong đó không ít các cơ sở sản xuất  mứt trong điều kiện mất vệ sinh an toàn thực phẩm như các sản phẩm mứt phơi xuống lòng đường hay  bên cạnh nhà vệ sinh...

Hay vụ Chi cục QLTT Thanh  thu giữ 4.735kg bánh, mứt hết hạn sử dụng, bao bì không còn nguyên vẹn tại một cơ sở sản xuất bánh kẹo.  Qua kiểm tra, phát hiện 2.625kg mứt dừa ca cao sấy khô; 2.110kg bánh bông lan, bánh quế, bánh trứng, lương khô, bim bim đã hết hạn sử dụng, bao bì không còn nguyên vẹn.

Toàn bộ lô hàng trên đã hết hạn sử dụng, không còn nguyên vẹn bao bì, được đựng trong bao tải dùng để nghiền thành bột trộn lẫn với nhau làm nhân bánh nướng phục vụ nhu cầu của thị trường.