Bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu như sau:

- Vải
- Tấm nhựa trong loại dai, mềm, mỏng (để làm túi đựng đồ trong suốt)
- Kéo, kim, chỉ, máy khâu, bàn là, kẹp nẹp (nếu có).

      

I. Làm sẵn nẹp vải

Bước 1:

Pha vải thành hình chữ nhật dài hết khổ vải, rộng chừng 30cm - 50 cm hoặc rộng hơn đều được.
Gập một góc vuông xuống như cách ta thường gập một đường chéo trên giấy để có được một hình vuông, miết nếp vải rồi mở vải lại vị trí ban đầu, cắt theo đường vừa miết bạn sẽ có một tam giác vuông có hai cạnh góc vuông bằng nhau.


 

Bước 2:

May đấu đầu tam giác vuông cân vừa cắt vào đầu đối diện của mảnh vải. Bạn úp tam giác xuống, đặt cho các cạnh vuông góc trùng mép vải phía dưới, cạnh đáy tam giác trái chiều với đường chéo bạn cắt lúc đầu. May một đường theo cạnh góc vuông thẳng dọc.


 

Khi mở mặt phải vải bạn sẽ thấy mình có được một hình bình hành với các cặp cạnh vải song song với nhau. Lật trái vải, tách đôi đường biên may và là phẳng phiu nhé!


 

Bước 3:

Cũng trên mặt trái, bạn kẻ những đường chéo song song và cách đều nhau, nẹp cắt vải chéo bao giờ cũng may đẹp hơn vì độ co giãn của nó linh động hơn, nhất là khi bạn cần nẹp những chỗ uốn cong.
Đặt thước song song với mép vải chéo ở đầu vải để kẻ cho dễ, chọn một chiếc thước có bản to gấp 4 lần bản nẹp bạn định làm, như thế chỉ việc luân phiên thứ tự của thước là kẻ được chính xác, thông thường dùng thước to bản 3cm - 5cm là vừa.


 

Sau khi kẻ xong bạn gập vải cho 2 mép vải thẳng trên và dưới của hình thoi vải khớp các đường đã kẻ vào nhau, mặt phải vải nằm bên trong. Chú ý đầu vải này lệch lùi với đầu vải kia một dòng kẻ. Vì nếu bạn đặt khớp chính xác thì tạo thành những dòng kẻ song song không thể cắt thành dải vải dài ở bước sau được, cần phải tạo thành dòng kẻ vòng xoáy ốc.


 

May cho hai mép vải trên và dưới đó liền nhau, chú ý các đường kẻ luôn thẳng hàng đối diện qua đường may. Bạn sẽ được một ống vải với các đường kẻ quấn quanh ống.


 

Bước 4:

Bắt đầu cắt theo dòng kẻ từ đầu vải bạn đã cố tình đặt lệch lùi lại một dòng kẻ.


 

Cắt trên một lớp vải nên bạn cần cẩn thận kẻo cắt vào cả lớp vải thứ hai. Cứ cắt theo đường đã kẻ, giờ là đường xoáy ốc trên ống vải, bạn sẽ được một dải vải rất dài, đều và luôn luôn ở thớ vải chéo rất tốt cho nẹp vải.

    

Bạn sẽ khá bất ngờ khi một miếng vải nhỏ có thể biến thành một dải vải liền rất dài như thế này đấy!


 

Thực ra dải vải đó cũng có những mối nối, chính là đường may nối ban đầu của bạn, nhưng làm một lượt lúc đầu tiện hơn rất nhiều so với bạn cắt các dọc vải chéo rồi may đấu đầu từng dải vải vào nhau.


 

Bước 5:

Nếu không có kẹp gập nếp nẹp thì bạn chỉ cần gập đôi dọc theo dải vải rồi là chết nếp, sau đó lại gập đôi hai bên vào sát mép nếp vải gập lúc đầu rồi lại là chết nếp hai bên.


 

Đây là nẹp vải của bạn sau khi là chết nếp hai bên.


 

Gập đôi tại chính nếp vải ban đầu rồi là chết nếp là bạn đã có được một dải nẹp rất dài, có thể cuộn thành cuộn lớn để dùng dần. Bạn nên làm nhiều cuộn nẹp khác nhau để tiện lựa chọn khi may đồ.


 

Vải vụn chưa biết để làm gì là lựa chọn tốt nhất cho bạn may nẹp dùng sẵn, trông không khác gì các cuộn nẹp bán sẵn, thậm chí chất liệu vải còn tốt hơn nhờ bạn lựa chọn vải trước khi cắt, và không phải lúc nào cũng tiện để bạn mua nẹp bán sẵn như thế!


 

II. Cách may nẹp vào túi đựng đồ trong suốt

Qua một ứng dụng nhỏ này bạn có thể học cách may nẹp mà bạn đã làm sẵn.

Bước 1:

Cắt một miếng bìa hình vuông hay hình chữ nhật to bằng khổ túi bạn định may; áp bìa mẫu lên vải nhựa trong suốt để vẽ theo, bạn cần vẽ 2 mảnh túi bằng nhau.


 

Bước 2:

Cắt 2 miếng vải vừa với khổ túi vừa cắt rồi gập đôi vải lại để làm nẹp trên của túi. Nẹp trên to vừa có tác dụng trang trí vừa giúp bạn tra miếng dán dính dễ hơn. Nẹp sau khi gập to chừng 5cm là vừa.

   
 

Các mép vải trên dưới nẹp to được gập vào 1cm.


 

Làm tương tự với miếng nẹp to còn lại.


Bạn sẽ có được 2 nẹp to với mỗi nẹp gồm 2 lớp vải được là chết nếp gập ở giữa.


 

Bước 3:

Đặt mép vải nẹp to trùng với mép vải nhựa trong ở vị trí miệng túi, mặt phải vải sáp vào mặt vải nhựa, may trên đường nếp gập mép nhỏ 1cm ở nẹp to.


 

Ở vỏ túi còn lại bạn cũng may tương tự, khi nhấc nẹp to ngược lên phía trên bạn sẽ thấy biên vải vừa may (bao gồm một lớp nhựa và một lớp vải) cũng ngược lên theo.


 

Gập nẹp to xuống theo nếp của nó rồi may nổi 2 đường chỉ mép trên mép dưới nếp. Đường may mép trên đi qua hai lớp vải, đường may mép dưới đi qua 5 lớp vải.
May tương tự với nẹp còn lại rồi may miếng dán dính vào giữa nẹp to và ở mặt trong vỏ túi.


 

Bước 4:

Miệng túi được may bằng nẹp to và 3 cạnh túi còn lại bạn may bằng nẹp nhỏ đã làm sẵn. Đầu nẹp nhỏ được gấp mép vải lại.


 

Bạn đặt trùng khít 2 lớp vỏ túi, mặt phải vải ra ngoài, nẹp nhỏ sẽ kẹp hai lớp vỏ túi vào giữa nẹp, bạn chỉ việc may sát mép nẹp và may thẳng theo cạnh túi là được. Tới phần gấp khúc của nẹp khi may góc túi, bạn mở rộng bản nẹp để gập cho nó vuông góc xuống đi theo cạnh túi.

   

Tiếp tục gập 2 bên nẹp xuôi về một bên để tạo thành nẹp nhỏ kẹp mép túi bên trong, miết phẳng phần đường chéo của nẹp tại góc vuông túi để may khỏi cộm.
May hết các cạnh cần nẹp thì bạn cắt nẹp nhỏ dôi ra chút xíu rồi gập nếp vải dôi ra đó vào trong để may, giống như bạn gập đầu nẹp lúc bắt đầu may.

 
Dùng nẹp làm sẵn để may túi hay các đồ khác khá tiện lợi và nhanh chóng:

Phần vỏ túi nhựa trong giúp bạn nhận biết đồ đạc dễ dàng, khi cần tìm bạn không phải đổ hết đồ ra để lựa chọn, nhìn qua vỏ túi đã nhận ra nó ở đâu rồi:

Miếng dán dính trên nẹp to của túi giúp bạn mở túi dễ dàng và miệng túi cũng luôn được phẳng phiu:

Những đồ vật nhỏ xinh được cất gọn trong túi nhựa trong suốt và nẹp vải to với phần miệng túi có họa tiết sinh động, trông khá xinh xắn:

Nếu bạn là người ưa màu nhã nhặn và đồng điệu thì hãy dùng một màu vải cho nẹp to và nẹp nhỏ của túi. Một bộ túi đựng đồ trong suốt thế này bạn khá dễ dàng để may làm quà tặng cho các mẹ có nhiều đồ tỉ mẩn nhỏ xinh hoặc cho các bé có nhiều đồ chơi nhỏ, nhiều dụng cụ học tập bé xinh:

Và bạn đừng quên may sẵn những cuộn nẹp nhỏ tiện dụng này nhé:


Chúc các bạn thành công!