Về Tây Nguyên, nếu gặp may ta sẽ được thưởng món lẩu lá rừng với bà con Ê-đê giữa đại ngàn xanh ngát; nhẩn nha vị là lạ của món cà đắng miệt rừng hay ấm lòng với ống cơm lam ăn kèm gà hoặc cá lăng nướng, cùng vui bên những chóe rượu cần… Nhưng có lẽ món ăn gây ấn tượng nhiều nhất đó chính là món phở hai tô (hay còn gọi là món phở khô) - món điểm tâm buổi sáng của người dân phố núi đã được Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận và xác lập kỷ lục theo bộ tiêu chí “giá trị ẩm thực Châu Á” cùng với 9 món ăn khác của Việt Nam trong tháng 8 vừa qua.
Phở khô là tên gọi của người bản địa dành cho món ăn này, nhưng với những thực khách từ phương xa đến thì họ xem món ăn này là một sự kết hợp độc đáo giữa hủ tiếu Nam Vang và phở bò hay na ná món phở trộn ngoài Bắc. Với món phở khô độc đáo của người Gia Lai, thực khách không chỉ là người thưởng thức mà đồng thời cũng là người chế biến.
Món đặc sản này không thể ăn xì xụp như phở Bắc, hay bát hủ tiếu Nam Vang mà cần phải có sự “vận động” của chính người thưởng thức. Bởi cái ngon của nó không chỉ nằm ở hương vị mà còn được “bộc lộ” ở cái cách tự mình hí hoáy pha trộn, nêm nếm sao cho vừa miệng rồi mới từ từ nhấm nháp.
Nhiều người gọi món phở nơi đây là phở hai tô, điều đó cũng dễ hiểu, bởi ngoài tô phở với các loại gia vị hấp dẫn thì tô nước dùng là thứ không thể thiếu. Nếu như trong toán học có điều kiện cần và đủ để cho ra đáp số thì món ăn này cũng thế. Cần phải có tô phở khô với đầy đủ gia vị và thực khách chỉ thấy đủ khi được “húp” cùng tô nước lèo.
Để có tô phở khô hấp dẫn, ngoài bánh phở nhuốm màu nắng của núi rừng Tây Nguyên đã được trụng kỹ thì phía trên được bày với một lớp thịt heo băm nhỏ kèm ít hành phi thơm cùng với ít rau xà lách, húng quế. Có thể thêm ít sa tế hoặc ớt tươi, chanh hay giá đỗ là tuỳ khẩu vị của mỗi người, nhưng nhất thiết không được thiếu tương bởi vị mằn mặn lẫn chút ngòn ngọt của đậu được lên men trong tương sẽ làm món ăn thêm đậm đà và tròn vị.
Góp phần cho món ăn này được lọt vào tiêu chí xác lập “giá trị ẩm thực Châu Á” phải kể đến tô nước lèo (nước dùng). Muốn nước lèo ngon, ngọt và trong thì cần phải ninh xương heo và bò trong khoảng 5 - 7 giờ, chỉ được để lửa liu riu và phải liên tục hớt bọt.
Khi ăn, múc tô nước lèo trong veo, ngọt lịm, thái thịt bò thật mỏng, trụng qua nồi nước rồi cho ngay vào đó, thêm ít hành hoa thái nhỏ cho thêm hương, thêm sắc. Khi đã thoả mãn hai điều kiện thì còn chần chừ gì mà không bắt tay vào việc pha trộn để thưởng thức!
Nhẩn nha vị dai dai của phở hoà quyện cùng vị thơm, cay của các loại gia vị, rồi xì xụp với tô nước lèo, lim dim mắt, gật gù hưởng vị ngon của miếng thịt bò non, mềm cùng vị ngọt của nước lèo giữa đại ngàn gió núi, thấy đất trời như tươi đẹp hơn. Có lẽ vì thế mà những con người nơi đất đỏ xem món phở khô như một phần không thể thiếu trong nét văn hoá ẩm thực của nơi này.
Cùng khám phá món châu chấu rang mang đậm hương vị đồng quê dân dã mà hấp dẫn bạn nhé!