Hà Nội có quá nhiều thức quà đáng để nhung nhớ, vấn vương và được gọi là món ngon, nhưng không phải món ngon nào cũng được gọi là đặc sản rồi trở thành tên gọi gắn liền với nơi sản sinh ra nó và chiếm vị trí đáng kể trong kho tàng văn hóa ẩm thực Hà thành như bánh cuốn Thanh Trì. Chẳng thế mà từ hơn một thế kỷ nay, bánh cuốn Thanh Trì đã trở thành “miếng ngon Hà Nội”, đi vào trang văn của Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân… và được đúc kết thành câu ca: “Thanh Trì có bánh cuốn ngon// Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng”
Bánh xưa…
Không ai rõ làng bánh cuốn có tự khi nào, chỉ biết rằng theo tích dân gian thì Thanh Trì là một làng vào loại cổ nhất của Thăng Long - Hà Nội. Từ thời Hùng Vương thứ 18, người dân đã tụ họp về đây khai khẩn đất đai làm ăn, con trai vua Hùng đích thân dạy dân cày cấy và người dân có cuộc sống yên bình, no ấm. Kể từ đó nghề làm bánh cuốn được hình thành và trường tồn cho đến ngày nay.
Để có được những thúng bánh ấy cũng rất công phu. Từ việc chọn gạo cho tới khi tráng bánh. Gạo có ngon thì mặt bánh mới láng mượt, óng ả. Nếu dùng loại gạo quá dẻo thì bánh nát, gạo kém thì bánh không thơm ngon. Khi ngâm gạo cũng thật cẩn thận, tùy thuộc vào thời tiết mà thời gian ngâm có thể khác nhau. Khi xay bột cũng là khâu quan trọng, bột được xay nhuyễn bằng cối đá sẽ cho mặt bánh láng bóng, óng ả. Nếu bột loãng quá bánh sẽ nát, mà đặc quá bánh sẽ dày, ăn mất ngon.
Cầu kỳ từ việc chọn, ngâm gạo, xay bột cho đến khi nổi lửa. Bếp lúc nào cũng luôn đỏ lửa, nhưng không quá to để cho hơi bốc đều, bánh mới chín thấu. Múc lưng muôi bột, giàn đều trên khuôn vải, đậy nắp vung lại, khi mở vung ra, bánh phồng lên là báo hiệu đã chín. Dùng que tre lấy ra, xếp thành từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong. Thường thì xế chiều, dân Thanh Trì đã nổi lửa tráng bánh. Sở dĩ bánh cuốn phải tráng từ chiều cho tới đêm vì bánh tráng xong phải để qua đêm thì mới bay đi hết mùi nồng của bột. Đến sáng bánh vừa mềm, vừa thơm mát mùi gạo...
Trước khi Miền Bắc hoàn toàn độc lập, các mẹ, các chị trong làng đi bán bánh cuốn nhất định phải mặc áo dài tứ thân màu nâu non; thắt lưng bao màu xanh, màu hồng hoặc màu vàng; đầu vấn khăn, bên ngoài chít khăn mỏ quạ. Thúng bánh đội đầu, đôi chân rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội từ tờ mờ sáng. Gặp khách là đặt thúng xuống, với đôi tay mềm mại các mẹ, các chị lần giở từng lớp bánh mỏng tang, tách từng lớp sao cho khỏi rách.
Trên mặt lá bánh cuốn điểm những cọng hành phi vàng, mỗi lớp bánh được xếp gọn trên đĩa, lần lượt từng miếng bánh một được đặt cạnh nhau, với một nhát kéo, tất cả được cắt đôi. Công việc tiếp theo là nhấc một nửa đầu bánh cuốn mới cắt đặt lên trên nửa kia để người thưởng thức có thể nhìn thấy rõ từng lớp bánh cuốn tráng mỏng như giấy.
Người xưa ăn bánh cuốn thấy ngon khi có bát nước chấm vừa miệng và dậy mùi cà cuống, bên cạnh đĩa đậu làng Mơ rán giòn...
… và nay
Ngày nay đậu mơ được thay thế bằng giò chả Ước Lễ hoặc những miếng chả
nướng giống trong món bún chả. Những miếng bánh trần không nhân mềm mại,
thanh mát được nhúng vào thứ nước chấm màu hổ phách không chua quá, mặn
quá, cay quá và dậy hương cà cuống. Cứ thanh dịu y như sự nhẹ nhàng của
người con gái xứ kinh kỳ này vậy.
Làng Thanh Trì vẫn giữ nghề làm bánh, nhưng do nhu cầu cuộc sống, nhiều nhà không còn giữ được nếp xưa. Thay vào những chiếc cối đá, nồi đồng đó là những chiếc máy làm bánh công nghiệp. Vẫn thứ gạo ấy, nước ấy, những chiếc bánh cũng mỏng tang nhưng sao cái thứ sản xuất ra hàng loạt này ăn cứ nhạt thếch, phải chăng sự “công nghiệp hóa” chất chứa quá nhiều trong đó đã làm mất đi cả vị quê?!
Cũng còn một số gia đình giữ được cách làm bánh thủ công, nhưng số đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong số đó có gia đình cụ Hoành với truyền thống làm bánh hơn 7 thập kỷ, đời này truyền cho đời khác.
Cô Dung con dâu cụ Hoành tâm sự: “Làm bánh thủ công, theo nếp xưa lãi lời chẳng được bao, lại khá vất vả. Thế nhưng vì yêu nghề, vì muốn chia sẻ món ngon một thời của đất kinh kỳ, muốn lưu giữ những nét tinh túy của người xưa nên mình quyết tâm nối nghiệp và sau này sẽ truyền lại cho đời con, đời cháu. Hi vọng bánh cuốn Thanh Trì sẽ không bị mai một và lãng quên theo thời gian”.
Năm tháng, tháng năm có thể sẽ làm phai dấu đi nhiều thứ, nhưng mong rằng bánh cuốn Thanh Trì sẽ mãi thơm hương giữa phố phường đông đúc để món ngon Hà thành vang vọng đến mai sau!
Cùng tìm hiểu về món phở hai tô nổi tiếng của người dân Gia Lai bạn nhé!