Khi chọn khoai bạn cần chọn những củ có lớp vỏ mỏng, mịn, cầm lên thấy chắc tay; tránh những củ có nhiều đốm nâu - đen lỗ chỗ hoặc những củ cầm lên thấy mềm, lớp vỏ nhăn nheo. Hết sức tránh những củ khoai có chỗ đã chuyển màu xanh trên vỏ hoặc mọc mầm, chúng không có lợi cho sức khỏe của bạn.
 
 
Khoai tây cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp. Bạn chỉ nên để khoai khoảng 2 tuần từ khi mua về đến khi dùng; bởi vậy không nên dự trữ quá nhiều khoai tây mà tốt nhất nên ăn tới đâu mua tới đó để khoai được tươi ngon. Những củ khoai tiếp xúc nhiều với ánh sáng có thể nhanh chóng chuyển màu xanh trên vỏ.
 
Không nên cất khoai tây và hành tây cạnh nhau, cả 2 thứ đều sẽ rất nhanh bị hỏng.
 
 
Khoai được bảo quản ở nhiệt độ dưới 5ºC sẽ cho vị ngọt đậm đà hơn, tuy nhiên màu của chúng sau khi bạn nấu xong cũng sẽ đậm hơn so với màu những củ khoai được bảo quản ở nhiệt độ thường.
 
Nếu khoai tây đã có mảng xanh hoặc mọc mầm, bạn cần cắt bỏ hoàn toàn những chỗ xanh hoặc mọc mầm rồi mới sử dụng.
 
Khi nấu các món với khoai tây, bạn cần đảm bảo rằng các miếng khoai có kích cỡ tương đương nhau để giúp khoai chín đều. Nếu muốn khoai tây có màu vàng nhạt bạn thêm vào món ăn một ít nước cốt chanh.
 
 
Nếu nướng khoai tây bạn nên nướng nguyên vỏ bởi vỏ khoai cũng chứa một hàm lượng không nhỏ dinh dưỡng, và nướng khoai nguyên vỏ cũng đảm bảo bạn có món khoai nướng thơm ngon hơn. Nếu muốn vỏ khoai mềm bạn bọc kín khoai trong giấy nhôm, còn nếu muốn có lớp vỏ giòn bạn phết một lớp dầu ăn lên khoai rồi nướng, không bọc khoai trong giấy nhôm. Ngoài ra trước khi nướng bạn có thể lấy dĩa xăm trên mình khoai sẽ giúp khoai chín nhanh hơn.
 
 
Món khoai tây nghiền sẽ trở nên vô cùng thơm ngon khi được kết hợp cùng bơ, kem tươi, dầu ô liu hoặc một ít sữa chua không đường bởi chúng giúp món khoai béo ngậy và mềm mịn hơn.
 
Các nguyên liệu nấu ăn rất hợp với khoai tây đó là hạt tiêu, bơ, thịt gà, thì là, tỏi, sốt mayonnaise, dầu ô liu, hành tây, thịt heo, dấm và sữa chua.