Theo BS Trần Văn Ký - phụ trách văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật thực phẩm VN, đối với thực phẩm đông lạnh, chỉ có thể nhìn bằng cảm quan và kinh nghiệm của người tiêu dùng chứ không có một thang điểm cụ thể nào để dễ dàng nhận biết thực phẩm đó hư hay không.

Ở đâu?
 
Người đi mua thực phẩm đông lạnh nhập khẩu phải biết rõ mình mua ở đâu (siêu thị, cửa hàng thực phẩm có đăng ký và được phép kinh doanh…). Thực phẩm đông lạnh nhập khẩu về nguyên tắc phải được kiểm tra và có giấy chứng nhận. Người tiêu dùng cần kiểm tra thực phẩm có nhãn mác, xuất xứ từ đâu, có nhãn phụ bằng tiếng Việt không?

Kiểm tra nhiệt độ thực phẩm

Thực phẩm đông lạnh bao giờ cũng được bảo quản trong tủ có nhiệt độ từ - 18oC trở xuống. Người mua có thể nhìn vào các đồng hồ đo nhiệt độ gắn trên các tủ bảo quản. Đồng hồ không đảm bảo nhiệt độ đó có nghĩa là thời gian bảo quản ngắn đi, và không đảm bảo an toàn.
 
Không chọn những thực phẩm đông lạnh bị dính vào nhau
 
Nhìn cách đóng gói bao bì

Sau khi kiểm tra hết những thông tin này, người tiêu dùng có thể kiểm tra thực phẩm bên trong bằng cách nhìn qua bao bì.

Thực phẩm đông lạnh bao giờ cũng đóng khuôn rất ngay ngắn, không lộn xộn. Những thực phẩm đông lạnh không được đóng khuôn công nghiệp, mà sử dụng cách đóng thủ công, sẽ không có gói nào giống gói nào. Thực phẩm tan đông rồi lại được đông lại, cũng chẳng có gói nào giống gói nào.

Đây là hai phương cách đóng gói không chuẩn về kỹ thuật và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Không dùng thực phẩm đông lạnh bị dính vào nhau

Những thực phẩm được đóng thành viên nhỏ như tôm, cá,… khi tan đông rồi tái đông, thường bị dính lại với nhau. Bình thường tôm rời từng con một. Về nguyên tắc, khi các thực phẩm đã đông lạnh rồi, sau khi xả đông thì phải chế biến và dùng ngay.
 
Tuyệt đối không ngâm nước để làm tan thực phẩm đông lạnh

Khi đã đưa thực phẩm đông lạnh về nhà: Xả đông ở nhiệt độ mát hoặc ngăn mát của tủ lạnh từ 8 – 10oC, chứ không được cho vào ngâm nước, hoặc đưa ra môi trường bên ngoài để tan chảy. Trong trường hợp bất đắc dĩ không xả kịp, chúng ta có thể cắt nhỏ ngay khi thực phẩm còn đông lạnh, và chế biến ngay.
 
Từ giữa năm 2009, hàng trăm tấn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu đã được các cơ quan chức năng niêm phong và tiêu hủy do vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm: Cả trăm tấn sườn heo, giò heo đông lạnh nhập khẩu bị dán nhãn kéo dài hạn sử dụng, nguồn gốc không rõ ràng, chục tấn pín dê được khuyến cáo không dùng cho người nhưng cũng được nhập khẩu về và vô tư lên thực đơn nhà hàng, 8 tấn cánh gà nhập khẩu đông lạnh bị nhiễm khuẩn …
 
Theo Phương Khánh
KHDS