Mãng cầu xiêm là một loại quả ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Về thành phần hoá học, trong 100g mãng cầu xiêm phần ăn được có 83,2g nước, 1g protit, 0,2g lipit, 15,1g gluxit, 0,6g xenluloza, 14mg canxi, 21mg photpho, 0,5mg sắt, 8mg natri, 293mg kali, 0,08mg vitamin B1, 0,1mg vitamin B2, 1,3mg vitamin PP, 24mg vitamin C... cung cấp được 59kcal.

Quả mãng cầu xiêm thường được thu hái lúc còn xanh, cứng, không để thật chín trên cây. Sau khi hái về cũng không ăn ngay mà thường để 4 - 5 ngày sau mới ăn. Đây mới là lúc ăn mãng cầu xiêm ngon nhất vì quả đã chín mềm vừa đủ để khi ta ấn nhẹ ngón tay vào thấy có vết lõm.

Thịt quả trắng, mùi dễ chịu, vị dịu, hơi ngọt chua, có tác dụng giải khát và bổ, chống bệnh Scorbut.


Quả mãng cầu xiêm chín được dùng ăn tươi là chủ yếu hoặc lấy thịt quả pha thêm nước và đường vào rồi đánh như đánh trứng gà chế biến thành một loại sữa để uống giải khát, bổ mát và chống hoại huyết.

Ngoài ra, mãng cầu xiêm còn thường được dùng tươi làm kem sinh tố cùng với một số quả khác hoặc dùng làm bánh, kẹo và mứt. Mứt và kẹo mãng cầu xiêm ăn ngon, có hương vị riêng nên được nhiều người ưa thích.

Bên cạnh giá trị ăn uống, quả và nhiều bộ phận của cây mãng cầu xiêm như lá cây, rễ và vỏ cây, hạt... còn được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa bệnh.

Thịt quả trắng, mùi dễ chịu, vị dịu, hơi ngọt chua, có tác dụng giải khát và bổ, chống bệnh Scorbut. Quả xanh làm săn da, phơi khô tán bột dùng chữa kiết lỵ và sốt rét.

Lá mãng cầu xiêm non được dùng làm gia vị, nấu hãm uống buổi tối để làm dịu thần kinh. Tại nhiều nơi người ta dùng nước sắc lá mãng cầu để chữa tiêu chảy, ăn khó tiêu, làm trẻ em hạ sốt hoặc giã lá mãng cầu thành bột nhão đắp chữa vết chàm bội nhiễm.

Ngoài ra, lá cây còn được dùng để chữa sốt rét và ngăn cơn tái phát (lấy 10 - 15 lá mãng cầu xiêm, giã vắt lấy nước cốt uống một lần, ngày uống 4 lần). Rễ cây mãng cầu có công dụng như thuốc tẩy giun, vỏ rễ cây cũng được dùng làm thuốc giải độc. Hạt mãng cầu xiêm cũng có chất độc như hạt na được dùng làm thuốc sát trùng.

 
Theo BS Lan Hương
Bee