Tuổi dậy thì ở trẻ đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của xương và cơ bắp, thay đổi hình dạng và kích thước cơ thể, và phát triển khả năng sinh sản của trẻ.
Dậy thì sớm là khi cơ thể trẻ bắt đầu thay đổi thành cơ thể của người lớn (tuổi dậy thì) quá sớm. Khi tuổi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi ở trẻ nữ và trước 9 tuổi ở trẻ nam, nó được coi là dậy thì sớm. Đối với những trẻ dậy thì sớm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Đến tuổi trưởng thành chắc chắn trẻ sẽ thấp hơn so với chiều cao tiêu chuẩn vì hormone sinh dục kích thích sự phát triển của xương làm các đầu xương đóng sớm khiến trẻ không thể phát triển thêm chiều cao.
Mọi người thường “truyền miệng” rằng, một số loại thực phẩm có thể gây dậy thì sớm ở trẻ. Điều này có đúng hay không? BS. Đoàn Hồng đã đưa ra câu trả lời như sau.
1. Ăn nhiều cổ, phao câu, cánh gia cầm
Phao câu gà
Phao câu gà thường được ưa chuộng bởi một bộ phận người dân do chúng có vị béo, ngậy và “mùi” đặc trưng. Tuy nhiên, trên thực tế thì phao câu gà lại là bộ phận độc hại nhất trong cơ thể gà.
Phao câu là nơi tích tụ mỡ và cholesterol nhiều nhất, đây là chất béo bão hòa, ăn nhiều có nguy cơ gây ra các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tắc nghẽn mạch máu, bệnh tim mạch hoặc nội tạng nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,… Ngoài ra chất dịch độc hại tồn đọng ở đây sẽ có nguy cơ khiến bạn bị ung thư nếu ăn quá nhiều và thường xuyên.
Chưa có nghiên cứu nào nói rằng ăn nhiều phao câu gà gây nên dậy thì sớm ở trẻ, nhưng tốt nhất, bạn vẫn nên loại bỏ bộ phận này trước khi chế biến thịt gà và tránh cho trẻ ăn quá nhiều.
Cánh gà
Tương tự như phao câu gà, cánh gà cũng tập trung chủ yếu là da và phần mỡ dư thừa. Ăn cánh gà đồng nghĩa với việc nạp một lượng lớn chất béo bão hòa, không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Hiện nay, tại những cơ sở không đảm bảo chất lượng, gà công nghiệp có nguy cơ bị sử dụng hormone tăng trưởng hay chất kích thích để lớn nhanh hơn. Vị trí tiêm hormone tăng trưởng thường là cổ và cánh, do đó, tại các bộ phận này sẽ tập trung liều lượng hormone cao nhất. Đặc biệt, trong đó có thành phần estrogen – một nội tiết tố sinh dục có thể gây ra dậy thì sớm ở trẻ. Nếu cho trẻ ăn, chất kích thích sẽ gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Cổ gà
Lượng hạch bạch huyết tập trung ở khu vực cổ gà là vô cùng lớn, do đó tập trung nhiều độc tố. Đồng thời, cổ gà cũng là nơi được tiêm hormone tăng trưởng. Do đó, khi trẻ nhỏ ăn nhiều cổ gà cũng đồng nghĩa với việc vô tình nạp chất độc và các hormone “kích thích phát triển” vào người, gây nguy cơ gây dậy thì sớm.
2. Uống nhiều sữa đậu nành
Sữa đậu nành là loại sữa được làm từ hạt đậu tương, trong sữa đậu nành chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Loại thực phẩm này có thành phần chính là protein thực vật, chứa lượng carbs, chất xơ và chất béo tốt.
Trong sữa đậu nành cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác nhau như molypden, vitamin K, folate, photpho,… Đậu nành rất giàu chất chống oxy hóa – giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do là nguyên nhân chính gây ra các bệnh mạn tính.
Ngoài ra trong sữa đậu nành cũng có chứa hormone isoflavone tương tự như estrogen, đây được coi là nội tiết tố gây dậy thì sớm ở trẻ nữ. Tuy nhiên thì một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng isoflavone trong đậu nành là khá ít. Nếu bạn không cho trẻ uống quá nhiều thì lượng hormone sẽ không đủ mạnh để kích thích dậy thì sớm ở trẻ.
Các bậc cha mẹ có thể yên tâm cho trẻ uống sữa đậu nành mỗi ngày với liều lượng phù hợp (tùy theo độ tuổi và nhu cầu của trẻ). Tuy nhiên cũng cần lưu ý chọn sữa đậu nành nguyên chất, không chứa nhiều đường bổ sung, chất bảo quản hay phẩm màu.
3. Cha mẹ cần làm gì trước những “lời truyền miệng”?
Không ít bậc phụ huynh thường hay nghe “lời truyền miệng” rằng cho trẻ ăn nhiều thịt, trứng gà, uống nhiều sữa bò, sữa đậu nành… sẽ khiến con bị dậy thì sớm, dẫn tới ngăn cấm con ăn, uống các thực phẩm đó.
Việc cha mẹ quan tâm đến vấn đề dậy thì sớm của trẻ là rất tốt, tuy nhiên vẫn cần giữ thái độ sáng suốt. Không nên hoàn toàn tin vào những lời vô căn cứ để rồi vô tình khiến trẻ không được hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu từ thực phẩm.
Chẳng hạn như một số nguồn tin vẫn cho rằng, trong sữa bò chứa hormone tăng trưởng, do đó tiêu thụ nhiều sữa bò có nguy cơ gây dậy thì sớm cho trẻ. Tuy nhiên, sữa bò cũng chứa một lượng Canxi lớn rất cần thiết cho quá trình phát triển chiều cao và giúp xương trẻ chắc khỏe. Uống sữa tươi mỗi ngày còn giúp trẻ được bổ sung các vitamin tự nhiên, giúp tăng đề kháng, hỗ trợ miễn dịch.
Do đó, nếu chỉ vì nghe những thông tin chưa được kiểm chứng mà không cho trẻ uống sữa, trẻ sẽ đánh mất rất nhiều lợi ích tuyệt vời mà sữa mang lại. Bạn chỉ cần chú ý cho trẻ uống sữa bò đúng với độ tuổi và uống với số lượng thích hợp.
Thay vì ngăn cấm, cha mẹ hãy xây dựng một chế độ cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng từ đa dạng các thực phẩm để con phát triển một cách toàn diện nhất. Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ uống có đường bổ sung, nội tạng động vật, … để giảm thiểu nguy cơ béo phì – một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ.
Cần tỉnh táo trước những thông tin mà bạn nghe hàng ngày, nếu cần thiết, hãy tới gặp bác sĩ để được tư vấn về những thực phẩm mà trẻ nên ăn hoặc nên tránh. Qua đó, bạn cũng có thể biết chắc chắn con bạn đang phát triển một cách bình thường hay không.
Sự khác biệt trong phong cách dạy con của những vị tỷ phú giàu có nhất trên thế giới so với cha mẹ thông thường