Trong thời gian qua, số trẻ ở tỉnh Bắc Ninh dương tính với bệnh sán lợn ngày một gia tăng. Theo các chuyên gia y tế một người có thể bị nhiễm bệnh sán lợn từ nhiều nguồn khác nhau, để làm sao biết được con đường nhiễm sán và cách điều trị nhiễm sán thế nào?
[Xem thêm: Những bài học đau đớn từ thói quen ăn đồ tái, sống]
Con đường nhiễm sán: Ăn rau bẩn còn nguy hiểm hơn thịt bẩn
Hầu hết những người biết chuyện đều cho rằng nguyên nhân gây ra nhiễm sán "theo hệ thống" như vậy là do thức ăn của nhà trường, nhà trường đã cho trẻ ăn phải món thịt lợn nghi ngờ bị gạo. Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, cơ quan chức năng đã vào cuộc, trực tiếp lấy mẫu máu xét nghiệm của cả giáo viên và học sinh nhằm xác định tối đa những người mắc bệnh. Rất nhiều trường hợp cho kết quả dương tính.
Mẫu thịt heo nhiễm sán dây.
Tuy vậy theo nhiều chuyên gia, điều này là không cần thiết và càng khiến người dân hoang mang. Bởi trên thực tế, thịt lợn không phải là thực phẩm duy nhất chứa ấu trùng sán và nếu có thì nó cũng không nguy hiểm như ấu trùng sán ở một số loại thực phẩm khác như rau cỏ.
Nang sán có trong thịt lợn là gì? Đó chính là ấu trùng sán "đi lạc" và "trú ngụ" lại ở những mô cơ của thịt lợn, trưởng thành và tạo thành nang sán. Chúng ta thường gọi đây là lợn gạo. Nếu ăn phải thịt lợn gạo (thịt lợn nhiễm sán) chưa nấu chín thì nang sán trong thịt lợn (chứa sán trưởng thành) vẫn còn sống và đi vào dạ dày, chui xuống ruột non, cư trú ở đó rồi trưởng thành gây bệnh nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa. Những con sán trưởng thành này khi ở trong ruột sẽ không bao giờ nó chui được vào chỗ khác ở cơ thể như cơ, não... để gây bệnh.
Cái con sán nguy hiểm có thể tấn công mắt, cơ, não... gây động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, đau đầu, giảm thịt lực, tăng nhãn áp... lại là con ấu trùng sán. Mà con ấu trùng sán này chui vào cơ thể bằng cách nào? Con sán trưởng thành ở trong bụng kia sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài, phân hoặc nguồn nước chứa phân này dùng để bón rau sẽ khiến trứng bám vào rau. Nếu ăn rau sống dính vào những nguồn nước bẩn này mà không rửa sạch thì trứng sẽ đi vào trong bụng người.
Tay tiếp xúc với nguồn nước bẩn hoặc không rửa sạch sau khi đi vệ sinh, rồi lại bốc thức ăn thì cũng có thể dính trứng sán và trứng sán từ đó sẽ đi vào bụng người.
Trứng vào bụng người sẽ nở thành ấu trùng sán, ấu trùng sán sẽ đi qua các mạch máu tới khắp nơi trong cơ thể (não, mắt, cơ...) cư trú ở đó sẽ tạo thành nang (chính là hạt gạo trong thịt). Như vậy, người cũng có thể bị bệnh gạo giống như các loại vật khác, gọi là người gạo, cá gạo, lươn gạo, lợn gạo...
[Xem thêm: Biểu hiện khi bị nhiễm sán và những xét nghiệm cần làm khi nghi bị nhiễm sán]
Biểu hiện khi bị nhiễm sán
Bác sĩ Đặng Thị Nga, Viện Sốt trét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM cho biết, bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triêu chứng rõ rệt. Một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng như: Đau bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh (suy nhược).
Dấu hiệu chính là thấy đốt sán ra theo phân hoặc tự bò ra ngoài.
Với bệnh ấu trùng sán lợn, triệu chứng bệnh tùy thuộc vị trí ký sinh và đóng kén của ấu trùng mà bệnh sẽ xuất hiện các triêu chứng khác nhau, có thể là: Động kinh, liệt, nói ngọng, rối lọan ý thức và có những cơn nhức đầu dữ dội; tăng nhãn áp, giảm thị lực, song thị…
Ấu trùng lợn gạo ở tổ chức não.
Cách điều trị nhiễm sán như thế nào?
Theo bác sĩ, về nguyên tắc bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán ra theo phân hoặc đốt sán ra quần lót, quần đùi để tránh những biến chứng do sán dây gây ra.
Tuyệt đối không nên điều trị bằng thuốc đông y, thuốc nam hoặc các thuốc cổ điển đối với bệnh sán dây vì dể xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Điều trị bệnh ấu trùng sán dây nên thực hiện ở cơ sở y tế trang bị phương tiện cấp cứu tốt, có bác sĩ chuyên khoa theo dõi.
Các loại thuốc điều trị nhiễm sán
Một số thuốc đặc hiệu cho bệnh sán dây như Praziquantel, Niclosamide và Albendazole.-
Điều trị bệnh sán dây trưởng thành: praziquantel 15-20mg/kg cân nặng liều duy nhất hoặc niclosamide liều duy nhất 2 gam cho người lớn. Hoặc có thể lặp lại liều trong vòng 7 ngày nếu cần thiết .
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
- Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn (heo) theo quy định.