Những kiểu ăn sáng rút ngắn tuổi thọ
Sở dĩ bữa sáng được coi là bữa ăn "quyết định tuổi thọ" là bởi đây là bữa đầu tiên trong ngày. Nó cung cấp dinh dưỡng cho mọi cơ quan sau 1 đêm ngủ dài, cung cấp năng lượng để làm việc. Vậy mới nói ăn sáng đầy đủ, đúng cách sẽ có lợi cho tuổi thọ. Ngược lại, có những kiểu ăn sáng dễ gây viêm loét dạ dày tá tràng, khiến cơ thể suy kiệt và dẫn đến nhiều bệnh mãn tính.
- Bỏ ăn sáng: Nhiều người trong chúng ta có thói quen bỏ ăn sáng, nhưng thói quen tai hại này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, béo phì... Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Mỹ cho thấy, so với những người ăn sáng mỗi ngày, những người bỏ bữa có nguy cơ tử vong cao hơn 87% do bất kỳ bệnh tim mạch nào và tăng 19% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Bỏ ăn sáng gây hại cho sức khỏe thì ai cũng biết, tuy nhiên nếu bạn ăn sáng quá muộn thì cơ thể thậm chí còn bị tổn thương nhiều hơn.
- Ăn sáng sau 10h và không bỏ bữa trưa cũng là thói quen làm hại dạ dày: Chúng ta không chỉ phải ăn sáng đủ mà còn cần ăn đúng giờ. Sau khi ngủ dậy, bạn không nên ăn sáng ngay mà nên cho cơ thể thời gian để tỉnh táo, trước khi ăn nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể.
Bàn về thời gian ăn sáng, TS Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho biết, tốt nhất nên ăn sáng trước 8h, đặc biệt nên tạo ra thời gian ăn sáng cố định mỗi ngày để có nhịp sinh hoạt đều đặn, giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
Ngược lại, nếu như chúng ta ăn sáng vào giờ giấc không cố định thì dạ dày sẽ không thể hoạt động theo đúng cơ chế, như thế có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thu của dạ dày.
TS Từ Ngữ khuyên mọi người không nên ăn sáng sau 10 giờ. Nếu ăn sáng muộn, lại gần bữa trưa thì cần giảm bớt số lượng đồ ăn xuống, nếu không thì có thể ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng vào bữa trưa hoặc có thể gây ra tình trạng tiêu thụ quá nhiều đồ ăn trong một lúc.
- Chọn sai đồ ăn sáng: Ngoài thói quen ăn sáng muộn, việc lựa chọn đồ ăn sáng như thế nào cũng đáng bàn. Nhiều người hiểu sai về bữa sáng, nghĩ rằng chỉ cần ăn no là đủ, chính vì thế những món ăn thừa từ tối hôm trước thường được mang ra để tiết kiệm thời gian nấu nướng. Tuy nhiên, nếu thức ăn thừa để qua đêm, chúng sẽ dễ sản sinh vi khuẩn hơn và tạo ra nhiều nitrit hơn, về lâu dài nguy cơ mắc bệnh ung thư có thể sẽ tăng lên. Hơn nữa, thức ăn để qua đêm nếu không được bảo quản đúng cách có thể sinh ra độc tố, thậm chí dẫn đến ngộ độc.
Hơn nữa, thói quen ăn đồ chiên rán vào bữa sáng cũng không tốt. Kiểu ăn sáng này được nhiều trẻ em ưa chuộng, tuy nhiên đồ chiên rán thường có lượng chất béo và calo rất lớn, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khiến trẻ có xu hướng tăng cân nhanh. Không những vậy, thực phẩm chiên còn được WHO xếp vào nhóm các chất gây ung thư 2A - nhóm các hợp chất "có thể gây ung thư trên người" cùng nhóm với thịt đỏ.
Vậy nên ăn sáng như thế nào là tốt nhất?
Theo GS. Yu Kang (Bệnh viện Đại học Y Liên hiệp Bắc Kinh, Trung Quốc): Bữa sáng rất cần thiết và nên duy trì trong khoảng từ 6-8 giờ, dù bận mấy cũng cần ăn sáng dù cho chỉ là một ly sữa hay quả trứng luộc.
Tuy nhiên GS khuyên mọi người nên dành thời gian để chuẩn bị một bữa sáng đầy đủ những tiêu chí sau đây:
1. Bữa ăn đa dạng, kết hợp loại thực phẩm với nhau.
2. Bữa sáng cần giàu protein, tốt nhất là trứng, cá...
3. Bữa sáng nên giàu vitamin, chẳng hạn như trái cây, rau quả...
4. Có thể kết hợp cùng các loại hạt khác nhau như hạt dẻ, hạnh nhân..
5. Bữa sáng nên chứa nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa...
Ví dụ, một bữa sáng hoàn hảo cho hầu hết mọi người có thể bao gồm việc ăn một bát cháo từ các loại hạt, thêm một hoặc hai quả trứng luộc, một ít rau và 250 ml sữa...