Nguyên liệu:
Vỏ bánh:
- 700g nếp
- 400g bột nếp
- 300g lá ngải cứu
- 250ml - 300ml nước
Nhân bánh:
- 300g đỗ xanh
- 300g thịt ba chỉ
- 8-9 củ hành tím
- 1 củ hành tây
- Gia vị, hạt nêm, bột canh, hạt tiêu
Cách làm:
1. Gạo nếp vo sạch và ngâm qua đêm.*
2. Hành tím cắt lát sau đó phi vàng.**
3. Đậu xanh ngâm ít nhất 3 tiếng. Sau đó đem hấp hoặc cho vào nồi cơm nấu chín mềm. Sau đó dùng chày hoặc thìa gỗ nghiền mịn.
4. Thịt ba chỉ cắt hạt lựu ướp cùng nửa củ hành tây và nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn.***
5. Luộc ngải cứu cùng chút muối tầm 10 phút. Vớt rau ra, xả qua nước lạnh sau đó vắt kiệt nước.
6. Xay rau cùng nước. Sau đó đun hoặc quay nóng hỗn hợp nước bằng lò vi sóng tầm 1 phút sao cho nước ấm ấm.
7. Cho một chút dầu ăn và muối vào cùng hỗn hợp rau xay. Sau đó cho bột nếp vào nhào. Khi hỗn hợp bột nếp đã thành một khối không quá nhão hay khô thì chúng ta bọc kín bột và đem ủ khoảng một tiếng.
8. Nửa củ hành tây còn lại cắt hạt lựu, phi thơm cùng dầu phi hành và cho ba chỉ vào xào chín.
9. Đổ toàn bộ hỗn hợp thịt ba chỉ xào và nước ra từ thịt vào với đậu xanh nghiền. Cho thêm hành phi vàng vào trộn đều. Nếu nhân khô thì bạn cho thêm chút dầu phi hành vào. Nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn.
10. Chia nhân thành từng viên tròn vừa ăn. Chia bột thành từng viên tương ứng với số lượng nhân.
11. Bọc bột vào nhân thành từng viên bánh tròn.
12. Lăn viên bột qua gạo nếp sao cho nếp áo đều vào bột. Rải nếp vào xửng hấp, đặt từng viên xôi lên, sau đó rải nốt chỗ nếp còn lại vào.
13. Hấp xôi tầm 40 phút là chín. Lấy ra ăn kèm với hành phi.
Lưu ý:
(*) Thường khi làm xôi khúc hay những loại xôi giống như thế này mình thường dùng nếp Thái vì xôi sẽ dẻo và dễ chín hơn. Nếp giữ được độ mềm rất lâu. Nếu dùng nếp cái hoa vàng thì tốt nhất bạn nên ngâm trước 1 ngày và khoảng 12 tiếng thay nước một lần.
(**) Hành tím cắt lát mỏng rồi phơi khô trên giấy ăn khoảng vài giờ cho héo bớt, như vậy hành sẽ dễ phi hơn.
Đổ dầu ăn vào nồi hay chảo cao thành vì khi cho hành vào dầu sẽ bùng cao lên.
Phi hành ở lửa trung bình đến khi chuyển màu vàng non thì đổ ra rổ có chậu hứng dầu ở dưới. Lúc này hơi nóng từ dầu bốc lên sẽ làm cho hành vàng tiếp.
Dầu phi hành giữ lại để dùng khi xào nấu hay trộn nhân đỗ khi bị khô sẽ rất ngon.
(***) Cho nhiều hành tây vào nhân hay thịt sẽ làm cho nhân ngọt hơn mà không cần lạm dụng mì chính hay bột nêm.
(****) Tỷ lệ nước và bột còn tùy vào độ ra nước của rau cũng như độ hút nước của bột. Bạn đổ từ từ nước vào bột. Thấy bột khô thì cứ cho thêm nước đến khi bột đạt.
Món xôi viên này mình còn hay gọi là xôi ngải, vì mình dùng lá ngải cứu để làm ra nó. Nghe có vẻ hơi huyền bí nhưng thực chất đây chính là họ hàng của món xôi khúc quen thuộc.
Vì rau khúc rất khó kiếm nên mình thường thay bằng rau cải chân vịt, cải cúc hay lá dứa. Tuy nhiên những rau kia chỉ cho ra màu xanh của xôi khúc mà vẫn hơi thiếu vị thơm.
Mùa xuân chính là mùa mà rau ngải cứu bên mình mọc nhiều nhất, vậy nên mình đã thay rau khúc bằng thứ rau quen thuộc dễ kiếm này, và xôi ngải cứu có mùi thơm riêng rất đặc trưng mà không hề bị đắng chút nào đâu nhé!
Chúc bạn thành công và ngon miệng với món xôi viên này!