Viêm dạ dày là cụm từ mô tả nhóm bệnh có đặc điểm chung: viêm niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày thường là kết quả của việc lây nhiễm vi khuẩn trong dạ dày, dẫn đến chứng viêm loét dạ dày. Những yếu tố chính dẫn đến tình trạng này bao gồm: chấn thương, thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, uống quá nhiều rượu…
Viêm dạ dày có thể xảy ra một cách đột ngột (viêm dạ dày cấp tính) hoặc có thể đến từ từ theo thời gian (viêm dạ dày mãn tính). Trong một số trường hợp nặng, viêm dạ dày có thể dẫn đến viêm loét, ung thư dạ dày.
Đối với hầu hết mọi người, viêm dạ dày không nghiêm trọng và có thể cải thiện một cách nhanh chóng. Nhưng đó sẽ là nỗi phiền toái không nhỏ chút nào nếu bạn thường xuyên bị cảm giác khó chịu này hành hạ trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Nhất là vào dịp tết đến xuân về, chúng ta thường có xu hướng ăn uống tự do, khiến dạ dày có thể phải chịu nhiều áp lực hơn nữa.
Ợ nóng, trào ngược dạ dày, trào ngược axit, viêm dạ dày hoặc có những dấu hiệu về sự tăng nhiệt trong dạ dày dẫn đến tình trạng viêm, kích hoạt ở lớp lót bên trong dạ dày. Nếu cứ mặc kệ thì tình trạng viêm loét sẽ trở nên tồi tệ hơn và ngày càng khó khăn, tốn kém trong việc điều trị.
Sử dụng các loại thuốc không kê toa có thể giúp bạn ngăn chặn triệu chứng nhưng không loại bỏ được tận gốc căn bệnh. Để tránh phải đối mặt với những cảm giác khó chịu này, ngay từ bây giờ, bạn có thể thực hiện những biện pháp tự nhiên nhưng có khả năng khắc phục mạnh mẽ nhất, giúp điều trị và phòng ngừa viêm loét dạ dày, ợ nóng, sôi bụng.
Dưới đây là một số thực phẩm được coi là phương thuốc tự nhiên giúp bạn ngăn chặn viêm dạ dày, ợ nóng, sôi bụng tận gốc mà không phải lạm dụng kháng sinh:
Nước cơm
Việc sử dụng nước cơm để điều trị và phòng ngừa viêm dạ dày đã được thực hiện bởi hàng ngàn người trên thế giới trong những thập kỷ qua. Nước cơm chứa hàm lượng chất dinh dưỡng tuyệt vời, đặc biệt là lượng vitamin B1, hỗ trợ rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Thạc sĩ - lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Phòng chẩn trị Y học cổ truyền) cũng nhận định, nước cơm có rất nhiều chất dinh dưỡng. Điều cần ghi nhớ là nước cơm không gây bất cứ phản ứng gì với bất cứ ai. Vì vậy, bạn có thể sử dụng hàng ngày, dù đang khỏe mạnh hay đang bị bệnh.
Theo ông Trung, sử dụng gạo còn nhiều cám để nấu nước cơm thì càng tốt. Điều này giúp ta thu được lượng nước cơm có nguồn dinh dưỡng dồi dào. Vì vậy, có thể nói sai lầm lớn nhất của con người trong việc sử dụng gạo chính là bóc lớp cám trên gạo đi. "Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh tiểu đường, tá tràng… gia tăng nhiều hơn. Do đó, lớp cám gạo bên ngoài là một nguyên liệu rất quý", lương y Trung khẳng định.
Nước cơm đặc biệt tốt cho đường tiêu hóa của bạn, kể cả với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh. Bạn chỉ cần nấu sôi một chén gạo trong 400 ml nước sôi. Đun sôi nhỏ lửa trong vòng 8 phút, sau đó gạn nước cơm ra để uống. Mỗi ngày uống 2 lần.
Hạt lanh
Hạt lanh rất dồi dào axit béo omega-3 (ALA), vitamin B6, sắt, kali, đồng và kẽm. Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), lợi ích lớn nhất của hạt lanh là thúc đẩy tiêu hóa. ALA chứa trong hạt lanh có vai trò bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, duy trì sức khỏe đường tiêu hóa. Do đó, ăn hạt lanh thường xuyên sẽ giúp giảm viêm ruột, thoát khỏi trào ngược axit và các vấn đề tiêu hóa khác.
Để phòng ngừa viêm dạ dày từ hạt lanh, bạn cần cho một muỗng hạt lanh vào một cốc nước, ngâm hỗn hợp trong vòng 12 giờ rồi uống.
Cà rốt
Thêm cà rốt vào chế độ ăn uống của bạn là điều cần thiết để dạ dày luôn khỏe mạnh. Cà rốt hoạt động như một chất kháng viêm, thuốc lợi tiểu cực mạnh, giúp giảm bớt các triệu chứng viêm dạ dày. Bạn chỉ cần thêm cà rốt để xào nấu hoặc làm salad trong các bữa ăn hàng ngày…
Theo lương y Bùi Hồng Minh, cà rốt rất giàu beta-carotene, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Sử dụng nước ép cà rốt thường xuyên sẽ rất tốt cho sức khỏe dạ dày và đường tiêu hóa nói chung, đối phó với nhiều vấn đề về tiêu hóa khác như rối loạn dạ dày, loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày, tiêu chảy… Ngoài ra, loại nước ép này còn có tác dụng làm sạch ruột rất tốt.
Nước cải bắp
Uống 100ml nước ép bắp cải mỗi sáng khi dạ dày trống rỗng có thể nhanh chóng loại bỏ các triệu chứng khó chịu khi bị sưng viêm dạ dày. Bắp cải rất giàu glutamine, giúp chữa lành viêm niêm mạc dạ dày và làm giảm kích ứng.
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), trong Đông y, bắp cải có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng hòa huyết, thanh nhiệt, thanh phế, trừ đàm thấp, sinh tân, chỉ khát, mát dạ dày, giải độc, lợi niệu. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong bắp cải rất giàu hàm lượng vitamin A, B, đặc biệt chứa nhiều chất chống ung thư như Sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và Indol-33 carbino... Không chỉ có vậy, trong loại rau này còn có một chất giúp chống viêm và giảm đau có hiệu quả.
"Bạn có thể chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng bằng cách uống nước ép bắp cải. Việc này sẽ giúp chóng lành các vết loét, nhất là vết loét của dạ dày, ruột. Nguyên nhân là bởi trong nước ép bắp cải có rất nhiều vitamin U – có lợi cho việc chữa lành các vết thương dạ dày và tá tràng", BS Toàn khẳng định.
Làm gì để tránh viêm dạ dày?
- Hạn chế ăn thịt, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như sữa, trứng.
- Hạn chế thức ăn nhanh (đồ ăn nhẹ, nước chấm công nghiệp, đồ uống có gas…).
- Không ăn các sản phẩm làm từ bột mì trắng.
- Không ăn mỡ động vật, dầu tinh chế và bơ thực vật.
- Loại bỏ rượu, thuốc, chất caffeine.