Là tên tuổi nổi tiếng tại Hollywood nhờ những vai diễn "giấu mặt" đầy ấn tượng, tài tử Andy Serkis chính là người tạo nên những nhân vật quái nhân, thú vật kinh điển trên màn ảnh và là "ông vua diễn xuất với motion-capture" (công nghệ mô phỏng động tác).
Sinh ngày 20/4/1964 tại Middlesex, vương quốc Anh , Andrew Clement Serkis có mẹ là giáo viên dạy trẻ khuyết tật người Anh và bố là bác sĩ người Armenia.
Ban đầu, Serkis không hề có ý muốn theo nghiệp diễn mà chỉ nghiên cứu chuyên sâu về đồ hoạ và chọn sân khấu là ngành học thứ hai chỉ để học thiết kế poster. Sau khi tham gia diễn vai chính trong một vở kịch của trường khi đang học năm đầu tiên, chàng sinh viên Andy Serkis khi ấy mới bắt đầu thấy thích thú với việc làm diễn viên và quyết định đổi chuyên ngành chính sang diễn xuất.
Khán giả yêu điện ảnh hẳn đều không thể quên series phim Chúa Nhẫn (Lord of the Rings) và đặc biệt bị ấn tượng mạnh bởi nhân vật phản diện Gollum – gã quái nhân xấu xí, ranh ma và có biểu cảm cùng thần thái linh hoạt cực kỳ ấn tượng. Người đã thổi hồn vào nhân vật này chính là Andy Serkis. Tài tử người Anh đã có màn hoá thân cực kỳ xuất sắc, đưa Gollum trở thành nhân vật đứng thứ 10 trong danh sách 100 Nhân vật điện ảnh vĩ đại của thế giới do tạp chí Premiere bình chọn.
Năm 2005, bộ phim King Kong làm lại từ phim gốc cùng tên năm 1933 do đạo diễn tài năng Peter Jackson chỉ đạo đạt thành công vang dội ngoài mong đợi khi càn quét khắp các phòng vé trên thế giới.
Không phải ai khác mà chính Andy Serkis đã làm sống lại hình ảnh chàng dã nhân khổng lồ kinh điển trên màn ảnh. King Kong của bản phim năm 2005 qua sự thể hiện của nam tài tử được coi là phiên bản xuất sắc nhất về Kong, đồng thời nâng tầm Andy trở thành bậc thầy diễn xuất với công nghệ motion-capture ở Hollywood.
Gần đây nhất, Andy Serkis lại tiếp tục để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả qua vai diễn "vua khỉ" Caesar trong series Planet of the Apes với phần phim thứ ba mang tên War for the planet of the Apes vừa ra mắt và đạt được tiếng vang lớn vào mùa hè năm 2017 vừa qua.
Mang trên mình bộ trang phục bảo hộ cùng chiếc mặt nạ kỹ thuật số , Serkis diễn mô phỏng các động tác của loài vật và mọi hình ảnh cùng chuyển động của nam diễn viên đều được thu lại rồi xử lý bằng công nghệ vi tính để tạo ra nhân vật trên hình. Chính Serkis cũng đã thừa nhận việc diễn mô phỏng thế này còn khó hơn diễn thật bởi phải phụ thuộc vào rất nhiều công đoạn xử lý hết sức tỉ mỉ. Qua sự hoá thân của Andy Serkis, nhân vật Caesar từ một chú khỉ con hiền lành trở thành "vua khỉ" có tiếng nói, cảm xúc, suy nghĩ như con người hiện lên chân thực, sống động tới từng cử chỉ và biểu cảm trên gương mặt.
Diễn xuất của Andy Serkis trong vai Caesar ấn tượng tới nỗi rất nhiều lễ trao giải điện ảnh uy tín đã vinh danh nam tài tử chính nhờ vai diễn này. Đây được coi là một bước tiến lớn của nền điện ảnh thế giới khi giờ đây các chuyên gia của môn nghệ thuật thứ bảy đã công nhận diễn viên diễn xuất bằng công nghệ motion-capture cũng là diễn viên thực thụ.
Ngoài ba nhân vật mang tính biểu tượng kể trên, Andy Serkis còn hoá thân vào nhiều nhân vật cần được hỗ trợ bởi kỹ xảo vi tính trong nhiều bộ phim lớn khác như thuyền trưởng Haddock trong The Adventures of Tintin, Lãnh đạo tối cao Snoke của Star Wars phần 7 và 8 hay kẻ phản diện Ulysses Klaue trong bom tấn siêu anh hùng Black Panther của Marvel-Disney hiện đang làm mưa làm gió tại khắp các rạp chiếu.
Tuy nhiên, dường như Serkis rất có số... "sát nhân vật" bởi vai diễn nào trong năm qua của nam tài tử này cũng đều phải nhận kết cục khá thảm thương. Cũng không thể trách được khi mà những nhân vật này đều có một hành trình rất dữ dội và bạo lực.
Diễn xuất tuyệt đỉnh của Andy Serkis đã khiến những nhân vật là sản phẩm của công nghệ kỹ thuật số trở nên vô cùng sinh động và linh hoạt. Đặc biệt, với màn hoá thân xuất thần trong vai "vua khỉ" Caesar phải vật lộn đấu tranh tâm lý trong cuộc chiến khốc liệt giữa người và khỉ trong War for the Planet of the Apes năm qua, nhiều khán giả đã lên tiếng kêu gọi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện Ảnh Mỹ nên trao ngay một giải Oscar dành cho Andy Serkis.
Thế nhưng, kết quả thì ai cũng biết khi "ông vua motion-capture" hoàn toàn bị ngó lơ, bởi đến giờ viện Hàn lâm cũng như đa phần giới chuyên môn điện ảnh vẫn còn giữ quan niệm truyền thống về diễn xuất: diễn viên phải để người xem thấy được gương mặt thật của mình. Chúng ta sẽ vẫn phải chờ đến những mùa Oscar sau để được thấy Andy Serkis được vinh danh với tượng vàng danh giá.