Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Quận Thủ Đức) là một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP. HCM. Mỗi ngày, trung bình 3.000 – 3.500 tấn hàng hóa được tiêu thụ tại đây, phần lớn là hàng hóa nông sản. Hoạt động buôn bán sôi nổi của chợ diễn ra từ khoảng 23h đêm đến hết sáng hôm sau.
Tuy nhiên đằng sau sự đông đúc, sầm uất đó của khu chợ lại tồn tại vấn đề khiến nhiều người không khỏi bức xúc.
Sau mỗi phiên chợ, thay bằng hình ảnh nhộn nhịp mua bán sôi động sẽ là cảnh tượng tiêu điều, nhếch nhác với hàng đống rác thải. Rác thải chất thành những núi nhỏ, hết đống này đến đống khác kéo dài cả chục mét, cùng với đó là mùi hôi thối từ phế phẩm của các mặt hàng. Những điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân sống xung quanh khu vực chợ.
Sau mỗi phiên chợ, nơi đây chỉ còn lại rác, rác và rác. Những đống rác hỗn hợp từ phế phẩm nông sản, bao bì, lẫn tạp cùng với những mùi hôi thối bốc lên từ hoạt động buôn bán và phế thải nông sản. Tất cả khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ mất ATTP.
Hàng ngày, trái cây thối, phế phẩm từ những container chở trái cây, bọc ni lông, thùng giấy, hộp gỗ, … là tất cả những thứ dư thừa được thải ra ngay tại chợ nông sản lớn nhất thành phố này.
Tạo ra nguy cơ rất lớn về vấn đề VSATTP.
CLIP: Chợ nông sản lớn nhất Sài Gòn "ngập" trong núi rác.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, tại khu bán rau củ, không chỉ có rác thải, mà còn có cả mùi …. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, đặc biệt trong mùa mưa thì lại càng nhiều hơn.
Đáng quan ngại hơn là tình trạng hành tím, hay một số loại Nông sản khô được nhập về, xếp lớp ngay trên nền chợ, bên cạnh đống rác, hoặc ngay bên trên bãi rác.
Hàng ngày dù vẫn có rất nhiều công nhân môi trường quét dọn, nhưng vẫn không thể nào dọn sạch được hết lượng rác thải này.
"Chợ mà, phải bốc mùi thối", câu trả lời rất đơn giản nhưng lại dấy lên nhiều suy nghĩ. Liệu khi thấy những cảnh tượng này, mấy ai sẽ dám ăn những thực phẩm được mua từ đây?
Hàng hóa được mang đi tiêu thụ.
Những chiếc xe vận chuyển nông sản từ đây đi đến các điểm bán lẻ, các chợ trong TP, nếu biết những loại thực phẩm hàng ngày mình đang ăn được bày bán ngay trên đống rác, liệu có bao nhiêu người còn dám tiêu thụ?