Có những cuộc tình của ba mẹ hiện lên như một bức tranh qua lời kể của con cái. Những "phụ huynh" bây giờ đã có tuổi nhưng cách đây vài chục năm, họ cũng là nhưng nam thanh, nữ tú, yêu đương rồi cố gắng để về chung một nhà.
Cô gái tên Diệu Thy đã đăng tải tấm ảnh về ba trong một clip nhỏ trên Tiktok và thu hút hơn 5,8 triệu lượt xem cùng hàng trăm nghìn "tim" được thả. Đã có hàng loạt nghi ngờ về bức hình năm xưa đó bởi ba Thy đẹp trai không khác một diễn viên hay ca sĩ Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhưng có như vậy mới biết thời gian tàn nhẫn làm sao. Và câu chuyện tình yêu hôn nhân của ba mẹ do Diệu Thy kể lại nghe cũng vừa gần gũi vừa đáng yêu vô cùng.
Lời hứa hẹn 3 năm tới kết hôn
Ba mẹ tôi đều là những người sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cần Giuộc, Long An. Ba tên Phúc, 46 tuổi, mẹ tên Nga, ít hơn ba 1 tuổi. Cuộc hôn nhân của họ đã trải qua 24 năm bên nhau với đủ những thăng trầm, có ngọt, có bùi.
Ngày ấy, mẹ 17 tuổi đi bán rau cải cho bà ngoại. Gia đình vất vả khiến cho mẹ chẳng đủ điều kiện để học thêm. Ra chợ, mẹ quen với bà nội - người có một sạp hàng hoa bán ở đó đã nhiều năm.
Thấy cô gái nhỏ tuổi bó rau, bán hàng thoăn thoắt. Bà ưng lắm. Người miền Tây mà, có gì là làm nhanh gọn nóng sốt. Bà về bảo con trai mình - cũng chính là ba tôi rằng ở chợ có đứa con gái được lắm, nhanh nhẹn lại chăm chỉ. Ba ra coi có chịu không rồi bà nói chuyện cưới xin.
Hồi đó, mẹ xinh xắn đáng yêu, ba nhìn thấy đã đổ ngay tắp lự. Về phần mẹ, ba có tiếng "đẹp trai nhất làng", mẹ thấy xong thì cũng ưng. Ưng thì ưng nhưng mẹ vẫn chưa muốn lấy.
"Muốn lấy tui thì anh ráng đợi thêm 3 năm. Tui còn nhỏ và còn muốn phụ mẹ bán buôn đã", mẹ nói thẳng với ba như vậy.
Nghe câu trả lời, ba cũng cười rồi đáp luôn: "Chờ thì chờ, sợ gì".
Vậy là bỗng nhiên hai con người chẳng có chút quan hệ trở thành cặp đôi có lời hứa hẹn. Mẹ vẫn tiếp tục đi bán rau, vẫn quảy đôi gánh đi qua hàng hoa của bà nội ngày ngày. Ròng rã suốt 3 năm như thế cũng đến lúc ba đến hỏi cưới mẹ.
Chuyện cưới xin này được cả hai bên gia đình nội ngoại đều ủng hộ. Không có nhiều tiền, ba mẹ chỉ chụp một tấm ảnh cưới. Trong ảnh, ba mặc vest sáng màu, mẹ mặc váy nép bên người ba rồi nở một nụ cười tươi rói. Tấm hình cưới mà đến bây giờ, sau 24 năm, mỗi khi nhìn lại ba mẹ vẫn phải xuýt xoa: "Đẹp gì mà đẹp dễ sợ luôn đó".
Ngày cưới, nhà nội đãi khách chỉ 10 mâm, toàn anh em họ hàng làng xóm quanh vùng. Hồi đó 10 mâm cỗ là cũng "ra gì" lắm rồi.
Cũng đi xem thầy bà nên ba mẹ đón rước dâu vào 5 giờ sáng. Đúng 5 giờ, nhà trai đã đến nhà gái làm lễ, 7 giờ, hai bên bốn họ đủng đỉnh rước dâu.
Nhà ông bà nội và ông bà ngoại cách nhau 2 con sông, tính theo đường đi thì khoảng 6km. Không có xe, cũng qua cái thời đi thuyền, đoàn người đi bộ rước dâu, qua hai cây cầu Long Khê và Phước Lý, vừa đi vừa cười nói rổn rảng. Nhớ lại những ngày đó, ba vẫn cưới nói: "Vui lắm con, rước dâu đi bộ rã chân nhưng vui thì vẫn vui chứ".
Ngày cưới, hai bên ông bà tặng cho ba mẹ dây chuyền, đôi bông tai và cặp nhẫn cưới. Từ đó cho đến bây giờ, rất nhiều năm trôi qua, gia đình trải qua đủ những tháng ngày khó khăn vất vả nhưng những món quà đó vẫn còn vẹn nguyên. Nó như một chứng nhân cho kỷ niệm ngày cưới.
Chiều vợ, thương vợ là kim chỉ nam cho hôn nhân hạnh phúc
Sau khi kết hôn, ba mẹ cũng vất vả nhiều. Ngày đó, ông nội có nghề may túi xách, giỏ xách cho một xưởng may gia công. Mỗi 1 tuần sẽ giao hàng một lần. Mẹ về nhà, phụ giúp chuyện làm đồ, may vá. Thời đó ba mẹ vợ chồng trẻ, lại không có tiền, cuộc sống cũng vất vả lắm. Sống chung với nhà ông bà nội hai năm, ba mẹ quyết định ra ở riêng. Ba mẹ vẫn cóp nhặt từng chút một từ việc trồng rau nuôi gà đến may bao tay kiếm tiền.
Những đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống gia đình càng thêm vất vả. Dẫu vậy, ba mẹ vẫn tiếp tục cố gắng từng ngày để xây đắp từng chút, từng chút một cho tổ ấm.
Hồi đó, ba hay mua vé số. Thói quen của ba cứ ngày mua 1-2 tờ lấy may vậy. Ấy thế mà ba cũng trúng số đến 2 lần. Lần đầu ba dùng tiền góp vào cất nhà, lần thứ hai, ba tiếp tục phụ vào cất thêm cái nhà sau nữa. Mua vé số bao năm mà cuối cùng cũng trúng, ba sung sướng lắm, cười vui vẻ khoe rằng có lẽ cưới mẹ về nên cuộc sống nhờ vậy mà may mắn thêm. Có may hay không thì chẳng rõ, chỉ có điều lấy mẹ, ba có người quán xuyến toàn bộ cuộc sống.
Mẹ làm hết việc nhà. Lâu lâu ba có muốn thì ba phụ quét nhà quét sân. Mẹ chu toàn và bao quát hết tất cả mọi việc. Tiền nong trong nhà mẹ cũng nắm giữ tất cả. Sự hòa hợp, đồng tình về tất cả mọi mặt trong cuộc sống của ba mẹ đến chính mình cũng thấy khâm phục thay.
Ba mẹ chẳng mấy khi nói lời ngọt ngào với nhau đâu. Dân miền Tây mà, cứ chân chất mộc mạc, có gì thì chứng tỏ bằng hành động thôi đó.
Có lần đến ngày lễ, giữa trưa, ba chạy qua hàng xóm hái trộm bông giấy để tặng mẹ. Chó sủa ầm ĩ. Cuối cùng ba cũng thành công mang cành hoa về. Mẹ ngại quá, mắng ba luôn chuyện chó sủa người ta nhìn hoài rồi biết thì chẳng biết giấu mặt đi đâu. Ba cười hề hề bởi mấy khi nghĩ đến chuyện tặng bông đâu chứ. Đã nghĩ đến là phải làm liền.
Thi thoảng, ba mẹ cũng cãi vã. Ở nhà thì toàn mấy vấn đề nho nhỏ thôi, mẹ nói thì ba cứ im im vậy, nhiều lúc cáu quá thì cũng có 'bật' lại vài câu. Nhưng được cái, có cãi cọ đến thế nào, lúc sau làm lành là người kia cũng phải biết ý mà bình thường trở lại.
"Phải biết chiều mẹ mày, thương mẹ mày thì gia đình mới hạnh phúc được chớ", ba luôn nhớ đến kim chỉ nam cho chuyện trong nhà như vậy đó.
Khi đăng ảnh ba lên mạng xã hội để so sánh với hình ba bây giờ, nhiều người đâu có tin, nghĩ con cái nhận vơ. Ba đọc được hết, ba chỉ tếu táo: "Đẹp quá nó cũng khổ, người ta không có tin vậy đó". Nhưng tôi nhìn đi, nhìn lại cũng đâu thấy thay đổi mấy đâu. Hai mấy năm làm chồng, cố gắng lo cho 3 đứa con khi làm cha, gương mặt ba có dấu vết thời gian cũng là điều bình thường. Ba tôi đẹp cả cái xóm này biết chứ đâu có nói điêu.
Chuyện tình của ba mẹ mộc mạc. Có lẽ nó cũng giống như hằng bao nhiêu mối tình và chuyện hôn nhân khác của các cặp vợ chồng trên mảnh đất này. Thế nhưng, vì sự mộc mạc thân yêu ấy mà những đứa con được có một bến đậu, được chắp cánh ước mơ!