Giống nhiều quốc gia phát triển khác, Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vì Covid-19.
Riêng ở thị trường bảo hiểm nước này, một sự chuyển dịch âm thầm đang diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết và khiến cho hàng trăm nghìn người lao động phải trước ngưỡng thất nghiệp.
Từ trước tới nay, thị trường bảo hiểm Nhật Bản vẫn cố thủ ở hình thức bán trực tiếp cho khách hàng (người bán chủ yếu là phụ nữ hay còn được gọi với cái tên seiho), trong khi đó việc áp dụng công nghệ, tự động hóa hình thức bán bảo hiểm dường như khá ì ạch.
Tuy nhiên, trước tình trạng Covid-19 bùng phát, cùng lệnh giãn cách ly xã hội và đóng cửa những tòa nhà văn phòng, khu phố,... đã khiến cho việc bán bảo hiểm trực tiếp gần như bị đóng băng, hơn 230 nghìn seiho tại Nhật lao đao không có doanh số.
Trước tình trạng này, bắt buộc các công ty bảo hiểm phải nhanh chóng áp dụng công nghệ vào quy trình bán hàng nếu không muốn phá sản.
Theo đó, nhiều công ty đã cho phép nhân viên bán hàng trực tuyến, “chốt đơn” online, ngoài ra, công ty Mitsui Sumitomo Aioi Life Insurance thậm chí còn bán gói bảo hiểm ung thư thông qua máy tự động ở hàng loạt cửa hàng 7-Eleven trên khắp nước Nhật.
Các chuyên gia cho rằng, sự chuyển đổi hình thức kinh doanh mang tính quyết định sống còn đối với thị trường bảo hiểm Nhật Bản, nhưng sự chuyển đổi này kéo theo mặt trái: đa dạng hóa các kênh bán hàng, cập nhật xu thế công nghệ sẽ làm họ phải cân nhắc về việc cắt giảm nhân viên bán hàng trực tiếp.
Nhiều người còn dự đoán, áp dụng công nghệ vào thị trường bảo hiểm chính là giải pháp dài hạn cứu vớt nhiều công ty, tuy nhiên lực lượng bán hàng trong ngành sẽ nhanh chóng giảm mạnh.
Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý “đội quân” seiho hàng trăm nghìn người. Ai cũng lo sợ, trong tương lai hoặc nhanh hơn nữa là khi Covid-19 qua đi, họ sẽ không còn việc làm.