Dân tình vốn đã quá quen với hình ảnh người mẹ địu con khi làm việc nhưng mới đây, một anh tài xế Grab vừa địu con vừa lái xe mưu sinh giữa đường phố khiến nhiều người chú ý. Mặc dù đứa bé cũng được trang bị mũ nón, khẩu trang đầy đủ nhưng nhìn ánh mắt ngây thơ của em thật sự người xem không tránh khỏi cảm giác xót thương cho hai bố con.
Sau khi xem bài chia sẻ, dân mạng đã có những luồng ý kiến khác nhau. Người thì trách ông bố tại sao trong thời gian dịch bệnh nguy hiểm lại đem trẻ con ra đường.
- "Nguy hiểm quá, tội cho bản thân và cho cả cháu bé nữa".
- "Thương quá, ở nhà không đến mức chết đói, hết sữa ngay đâu mà ông bố lại tha lôi con như thế kia rồi nhỡ nhiễm bệnh thì sao".
- "Chẳng hiểu ông bố suy nghĩ kiểu gì, dịch bệnh người ta ở nhà chẳng được, người lớn còn lo huống hồ ông mang cả con nhỏ long dong ngoài đường".
Nhưng cũng có những người nhìn nhận ở góc độ nhân văn khi cho rằng có lẽ vì mưu sinh nên anh tài xế không còn lựa chọn nào khác.
- "Anh ấy không có cách nào khác mới buộc phải mang bạn nhỏ theo chứ làm cha làm mẹ rồi chả ai nỡ mang con ra đường, nhất là đang dịch như thế này đâu. Mình cũng gà trống nuôi con nên hiểu, chúc hai bố con bình an trên mọi nẻo đường".
- "Nếu bạn có điều kiện thì khác, nhưng khi phải chạy ăn từng bữa toát mồ hôi thì không thể ngồi nhà nhìn con khát sữa được".
Với những người đã làm cha làm mẹ, thật sự không thể kiềm lòng khi vô tình bắt gặp hình ảnh này. Nhiều bạn đã ngỏ ý muốn giúp đỡ hai bố con bằng cách đề nghị được trông giữ em bé giúp để ông bố có thời gian chạy grab kiếm tiền.
- "Bạn ấy ở đâu nhỉ, nếu ở Bình Dương mang con mình trông miễn phí cho. Vì mình cũng có con nên hiểu, con nhỏ mang con ra đường thương lắm".
- "Thương nhỉ, bạn này ở đâu vậy, nếu ở Nha Trang đưa qua mình trông giúp cho, đang nghỉ tránh dịch nên mình cũng rảnh. Bế con nhỏ đi chạy xe như vậy vừa nguy hiểm, vừa khổ thân bé không được giấc ngủ ngon".
Mong cho dịch bệnh trôi qua nhanh để trả lại cuộc sống nhộn nhịp như trước, để những người lao động bớt đi nỗi vất vả, lo toan, để những em bé được đến trường thay vì phải rong ruổi cùng bố mẹ mưu sinh trên đường.