Cảm hứng sáng tác “Anna Karenina” được vợ nhà văn Lev Tolstoy kể lại như sau: “Tối qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy đã hình dung ra một người đàn bà có chồng thuộc xã hội thượng lưu, nhưng bị sa ngã. Anh ấy nói rằng nhiệm vụ của anh ấy là phải  làm sao cho mọi người thấy người đàn bà ấy chỉ đáng thương mà không đáng tội”.
 
Xuyên suốt tác phẩm, người đọc chỉ thấy hiển hiện lên vẻ đẹp đến tinh khiết, và nồng nhiệt của người phụ nữ quý tộc Anna, khiến cho biết bao nhiêu chàng trai phải mê đắm, để rồi từ đó chúng ta được chứng kiến một cách tuyệt vời nhất sự thức dậy của tình yêu cũng như  niềm ước mơ, niềm khao khát tưởng như đã chôn chặt khi nàng phải kết hôn với một người mà mình không hề yêu.
 

Anna đã giằn vặt, đã chạy trốn vì những ràng buộc, những eo sèo của dư luận xã hội, nhưng nàng không thể nào trốn chạy nổi trái tim đang yêu cuồng nhiệt của mình. Tình yêu của nàng tươi mới như vừa mới bắt đầu được thai nghén và trỗi dậy trong buổi bình minh sớm. Và Alexei Vronsky chính là mục đích cuối cùng mà nàng cần trong cuộc đời này.

Cuộc gặp gỡ tại ga xe lửa lần đầu tiên ấy chính là điểm định mệnh gắn kết cuộc đời Anna với Vronsky, để họ thuộc về nhau, và từ bỏ tất cả mọi địa vị, gặt phăng mọi dư luận để được sống bên nhau.
 

Nhưng, với Anna, dường như số phận đã định đoạt rằng, nàng không bao giờ có được sự hạnh phúc trọn vẹn như nàng khao khát. Dù hạnh phúc ấy đã khiến nàng phải hi sinh quá nhiều, nàng đã tự nguyện bỏ lại đứa con trai vô cùng thương mến của mình để chạy trốn với người yêu, nhưng rồi những ám ảnh, những khó khăn, những dằn vặt đời thường đã khiến cả hai con người ấy cùng rơi vào trạng thái tan vỡ.

Tình yêu tưởng như tồn tại vĩnh viễn sau biết bao nhiêu khổ sở để đến được bên nhau. Nhưng rồi tình yêu lại cũng nhanh chóng bị giết chết bởi những mệt mỏi, ghen tuông, tầm thường. Anna bỗng chốc nhận ra sự khổ đau và nỗi bất hạnh của đời mình.
 
 
Dù nàng vẫn yêu, nhưng nàng bế tắc. Nàng không thể tìm được cho mình và người yêu một lối thoát nào khác. Và nàng đã đi đến một khoảnh khắc cuối cùng, chấm dứt cuộc sống của mình bằng cách lao đầu vào ga xe lửa.
 
Đó là sự nghiệt ngã của số phận hay theo logic phát triển của xã hội buộc Anna phải làm thế, bởi trong thời đại lúc bấy giờ những tình yêu đích thực, những khao khát mãnh liệt và nồng cháy của con người lại không được xã hội chấp nhận.
 
Cái chết của Anna đã khiến cho những người trẻ tuổi giật mình, khóc òa, và đau buốt, còn  những người đã đứng tuổi, đã trải qua nhiều nỗi đau, đã đi qua những nông nổi của tuổi trẻ thì ngậm ngùi nhìn về phía xa xăm, rồi chợt giật mình đánh rơi cuốn sách.
 
 
Nỗi đau ngấm dần vào trái tim. Xót xa cho một trái tim yêu mãnh liệt, nhưng tuyệt vọng. Anna cho đến khi chết vẫn thấy hình ảnh của nàng đẹp như tỏa ra một thứ ánh sáng lung linh từ tâm hồn.

Lev Tolstoy đã là người hiểu hơn ai hết niềm hạnh phúc cũng như sự dằn vặt, đau đớn và bất hạnh bên trong tâm hồn người con gái ấy. Bởi vậy, ông dùng cái chết để giải thoát cho nhân vật của mình, nhưng lại chính là cách để trói buộc những người còn sống, cũng như những độc giả của thể hệ hôm nay phải day dứt mãi về nhân vật Anna Karenina của ông.