Tài năng bị từ chối đến người phụ nữ quyền lực đứng đầu ngành thời trang thế giới
Anna Wintour sinh năm 1949, tại thành phố London, Anh trong một gia đình có truyền thống làm báo chí với bố là Charles Wintour, tổng biên tập của tạp chí Evening Standard nổi tiếng xứ sở sương mù lúc bấy giờ. Từ nhỏ, bà đã bộc lộ niềm đam mê đối với thời trang và tích cực trau dồi kiến thức thông qua các ấn phẩm Seventeen do bà gửi từ Mỹ sang.
Con đường học vấn của Anna vô cùng ngắn ngủi bởi bà chỉ hứng thú với những lớp học thời trang với phương châm sống lúc đó là: "Hoặc là biết tất cả về thời trang, hoặc là không biết gì cả". Năm 1970, Anna được nhận vào làm trợ lý biên tập cho tờ Harpers & Queen. Làm việc không bao lâu thì bà bị lãnh đạo trục xuất thẳng tay vì thực hiện bộ ảnh không phù hợp.
Anna gắn liền với kiểu tóc bob từ khi còn rất trẻ.
Nhiều năm tiếp theo, Anna liên tục thử sức với nhiều tạp chí thời trang khác nhưng có lẽ bà vẫn chưa gặp thời bởi các công ty ấy liên tục rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí phải tuyên bố phá sản. Con đường theo đuổi đam mê chông chênh là thế nhưng Anna chưa từng có ý định bỏ cuộc. Bà quyết định chuyển sang New York, Mỹ, để tìm hướng đi mới cho bản thân.
Nói về lý do rời bỏ quê hương đến một đất nước hoàn toàn xa lạ, Anna cho biết mặc dù ở Anh, bà không gặp khó khăn để xin việc nhưng lại quá chán nản với câu hỏi: "Cô có phải là con gái của Charles Wintour hay không?". Trong suốt nhiều năm lăn lộn ở Mỹ, chưa ai tiếp cận bà để hỏi về thân thế. Chính tính cách độc lập, kiên cường và không muốn phụ thuộc vào bất cứ ai đã cộng hưởng tạo nên một bà đầm thép có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với thời trang thế giới.
Cuộc sống ở New York của Anna ban đầu cũng chật vật không kém. Công việc đầu tiên của bà tại đây là biên tập viên thời trang cho tờ Harper's Bazaar. Dù rất yêu thích công việc này nhưng một lần nữa, Anna lại bị sa thải vì lãnh đạo tạp chí cho rằng phong cách của bà quá châu Âu.
Trải qua không ít tờ tạp chí khác, Anna cuối cùng chính thức vào làm tại tạp chí Vogue Anh với tư cách tổng biên tập, thay thế Beatris Miller, cũng là một nhân vật lão làng của làng mốt thế giới. Trong thời gian này, bà bỏ nhiều công sức để nghiên cứu và đưa ra nhiều ý tưởng độc đáo nhưng chưa thể áp dụng chúng ngay lập tức.
Năm 1987, Anna mua lại tờ House & Garden nhưng thời gian hoạt động của tạp chí này chỉ vỏn vẹn 9 tháng trước khi bị đình bản vĩnh viễn. Nhìn thấy được tài năng của Anna, giám đốc Vogue Mỹ quyết định mời bà về đảm nhiệm vai trò tổng biên tập. Khi đó, tờ tạp chí này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, một phần vì tập trung vào mảng đời sống nhiều hơn thời trang, một phần vì sự vươn lên quá sức mạnh mẽ của đối thủ cạnh tranh Elle. Nhưng đó chỉ là tình trạng thảm hại tạm thời của Vogue Mỹ khi chưa có sự xuất hiện của bà đầm thép.
Vừa mới đến, Anna đã thực hiện một số cải cách không tưởng như "thay máu" hầu hết nhân viên công ty, đổi phong cách thực hiện các bộ ảnh, chiêu mộ những gương mặt người mẫu mới, ít danh tiếng thay vì các tên tuổi đã quá đình đám… Những năm làm việc ở Vogue Anh đã giúp ích rất nhiều cho đầu óc nhận định nghệ thuật của Anna. Bà nhận thấy cần phải bổ sung yếu tố "châu Âu" vào thời trang Mỹ để đưa nó lên tầm cao mới.
Cuộc cách mạng mang tên "Anna Wintour" phát huy hiệu quả ngay lập tức trên số báo đầu tiên phát hành vào tháng 11/1988. Người mẫu mới nổi Michaela Bercu được chọn làm gương mặt đại diện cho trang bìa, cô mặc chiếc áo đính đá sang trọng của Christan Lacroix có giá 10 nghìn USD phối với quần jean "rẻ bèo" chỉ 50 USD. Đây cũng là lần đầu tiên người mẫu tạp chí Vogue mặc quần jeans xuất hiện ngay trên trang bìa. Cú đột phá mang tính lịch sử này mang về cho Vogue lượng doanh thu không tưởng, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới cho tạp chí thời trang này.
1 năm sau đó, Anna tiếp tục thể hiện sự táo bạo khi cho người mẫu da màu Naomi Campbell xuất hiện trên trang bìa. Sở dĩ gọi đây là quyết định táo bạo bởi vì thời điểm đó, nạn phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ vẫn còn rất gay gắt. Bỏ mặc mọi sự nghi ngờ, số báo này lập được kỷ lục tiêu thụ, một lần nữa khẳng định vị thế của Vogue trong làng mốt.
Tiếp đến, bà Anna thể hiện sự phóng khoáng khi chấp thuận cho người mẫu trẻ Claudia Schiffer để luôn mặt mộc, quần áo xộc xệch lên hẳn trang bìa Vogue. Đây trở thành một trong những tác phẩm "để đời" trong sự nghiệp làm nghề của người mẫu người Đức. Đến đây, không ai còn nghi ngờ khả năng nhìn trước xu hướng và phát hiện tài năng của Anna nữa. Dưới đế chế của bà đầm thép, Vogue vươn lên mạnh mẽ, cùng với Ella và Harper's Bazaar thống trị lĩnh vực tạp chí thời trang.
Những năm gần đây, doanh thu ngành báo chí in ấn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự phát triển của mạng internet và điện thoại thông minh, song Vogue vẫn có được 11,4 triệu độc giả trung thành cho mỗi năm và khoảng 1,2 triệu lượt truy cập vào website của tạp chí.
Tài năng của Anna đưa giá trị thương hiệu của Vogue lên tầm cao mới. Nhiều nhân vật nổi tiếng ngỏ ý muốn được xuất hiện trên trang bìa tạp chí này cũng phải chịu sự phân phối của bà. Đơn cử như trường hợp của nữ MC nổi tiếng Oprah Winfrey cũng phải nghe theo yêu cầu của Anna, giảm hẳn 10 kg trước khi được góp mặt trên trang bìa của Vogue.
Trong ngành thời trang, Anna được nhận xét là người có tiếng nói nhất. Điều này được thể hiện ở việc giới truyền thông cực kỳ săn đón bà ở các tuần lễ thời trang. Vào năm 2010, Tuần lễ thời trang ở Milan được dịp nháo nhào trước thông tin bà đầm thép rút ngắn thời gian tham dự chỉ còn 3 ngày vì kẹt lịch làm việc. Khi đó, các "ông lớn" như Dolce and Gabbana, Prada, Fendi… đều cân nhắc thay đổi lịch để có được sự góp mặt của Anna ở hàng ghế đầu trong show diễn của mình. Một tờ báo khi đó đã đưa ra nhận xét về câu chuyện này và gọi Anna là "người đàn bà nắm gọn thời trang Ý trong lòng bàn tay".
Anna là gương mặt quen thuộc chỉ ngồi ở hàng ghế đầu trong các show diễn ở Tuần lễ thời trang.
Tháng 4 vừa qua, tin đồn Anna rời Vogue sau hơn 30 năm gắn bó bỗng rộ lên khiến giới mộ điệu không khỏi hoang mang. Tờ New York Times dành cả một bài viết dài để bàn về thế giới thời trang khi không có Anna Wintour và khẳng định nó sẽ vô cùng "hỗn loạn". Sau đó, đại diện của Vogue đã lên tiếng phủ nhận tin đồn thất thiệt này và khẳng định tờ tạp chí này chưa từng nghĩ đến chuyện ngừng hợp tác với bà đầm thép.
Phiên bản gốc của "Yêu nữ thích hàng hiệu"
Năm 2003, nữ tác giả Lauren Weisberger đã phát hành cuốn tiểu thuyết Yêu nữ thích hàng hiệu (tựa tiếng Anh: The Devil Wears Prada), ngay lập tức trở thành ấn phẩm best-seller. Theo lời Lauren khẳng định, cô dựa trên hình mẫu của Anna ngoài đời thực để xây dựng nên nhân vật Miranda Priestly, biên tập viên thời trang quyền lực và độc tài.
3 năm sau, cuốn tiểu thuyết này được đưa lên màn ảnh rộng với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao gạo cội Meryl Streep. Trong ngày công chiếu đầu tiên, đích thân Anna đã đến tham dự, mặc trên người bộ đồ hàng hiệu Prada khiến mọi người khi đó cảm thấy vô cùng thú vị. Sau đó, bà dành nhiều lời khen cho tác phẩm chuyển thể khiến giới mộ điệu sôi sục. Mọi người ùn ùn kéo nhau ra rạp để xem bằng được bộ phim mà bà đầm thép ưng ý.
Nữ thị trưởng không chính thức của New York tích cực đấu tranh cho phong trào nữ quyền
Ngoài công việc thời trang, Anna còn là một nhà hoạt động chính trị không chuyên, tích cực đấu tranh vì phong trào nữ quyền. Năm 2008, bà đưa hình ảnh của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Hilary Clinton lên bìa tạp chí Vogue như một hành động ủng hộ nữ chính trị gia lúc nào cũng đứng về phía người phụ nữ.
Năm 2012, Anna cùng người đẹp Scarlett Johansson đứng ra gây quỹ từ thiện ủng hộ cho chính quyền ông Barack Obama vì ông là người đấu tranh cho nữ quyền và tích cực trong phong trào xóa bỏ rào cản màu da giữa người dân nước Mỹ với nhau. Với những việc làm nhỏ nhặt nhưng đủ thể hiện quan điểm chính trị và gây ra ảnh hưởng lớn đến tất cả mọi người, Anna được tờ The Guardian gọi vui là "nữ thị trưởng không chính thức của New York".
Từ một người phụ nữ bình thường có lối tư duy khác biệt từng bị từ chối, Anna Wintour đã dùng chính cái tôi "khác người" để tạo nên đế chế của riêng mình, trở thành nhân vật gây ra nhiều ảnh hưởng và không thể thiếu của làng mốt thế giới. Cuộc đời bà chính là câu chuyện truyền cảm hứng dành cho tất cả mọi người, để chúng ta thấy được một điều rằng, một khi đã có tài năng và nỗ lực không ngừng thì dù cho hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu, bạn cũng sẽ gặt hái được thành công, thậm chí còn có thể góp phần làm thay đổi cả thế giới.
(Nguồn: Tổng hợp)