Những khó khăn từ dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, cùng với đó là chi phí sinh hoạt gia tăng khiến áp lực tài chính đè nặng lên người trẻ. Phụ nữ Hàn Quốc đang cố gắng trì hoãn việc có con và không ít người đã lựa chọn giải pháp đông lạnh trứng.
Một gian hàng bắt mắt trong trung tâm thương mại lớn ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc có vẻ ngoài trông giống như những cửa hàng bán lẻ khác. Thật ra đây là một cơ y tế cao cấp chuyên thực hiện đông lạnh trứng cho phụ nữ, những người có mong muốn trì hoãn kế hoạch sinh nở của mình.
Chị Lim Eun-young, 34 tuổi, nhân viên văn phòng tại Seoul, cho biết: "Tôi và bạn trai mới quen nhau được vài tháng. Chúng tôi bắt đầu tìm nhà và lập kế hoạch kết hôn, tất cả sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể. Vì vậy, bây giờ không phải thời điểm tốt để tôi kết hôn. Tôi cảm thấy yên tâm khi đông lạnh trứng trong tình trạng tốt để sau này có thể sinh đứa con khỏe mạnh".
Chị Lim là một trong 1.200 phụ nữ đã đông lạnh trứng ở cơ sở y tế này trong năm 2021. Con số này tăng gấp đôi so với năm trước đó.
Chi phí sinh hoạt, nhà ở và giáo dục ở Seoul tăng cao, khiến nhiều cặp đôi hoãn kết hôn và dời lại kế hoạch sinh em bé.
Đông lạnh trứng trong phòng thí nghiệm Nghiên cứu khả năng sinh sản tại Trung tâm Sinh sản Cha ở Bundang, Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)
Chị Cho So-young, 32 tuổi, y tá tại Seoul, nói: "Tất nhiên là tôi muốn lập gia đình và có con, tuy nhiên hiện tại tôi có ưu tiên khác, quan trọng hơn trong cuộc sống của mình".
Chi phí đông lạnh trứng là khoảng 1.300 đến hơn 2.200 USD (tương đương khoảng 30 đến 50 triệu đồng) tùy tình trạng sức khỏe. Họ cũng phải trả thêm một khoản phí duy trì bảo quản mỗi năm.
Chị Lim Eun-young chia sẻ: "Chúng ta đều thấy việc nuôi con đắt đỏ như thế nào, tất cả những lo lắng đó phản ánh vào thực trạng có ít đám cưới và ít cặp đôi sinh con hơn trong những năm trở lại đây".
Theo một số chuyên gia xã hội học, Chính phủ Hàn Quốc nên có cái nhìn cởi mở về quyền tự do sinh nở của phụ nữ. Hiện nay Chính phủ Hàn Quốc cho phép phụ nữ chủ động động lạnh trứng, tuy nhiên sau đó họ chỉ có thể sử dụng trứng khi đã kết hôn hợp pháp.
Giáo sư Jung Jae-hoon, Nghiên cứu Phúc lợi Xã hội, Đại học Phụ nữ Seoul, nhận định: "Tôi nghĩ lựa chọn sinh nở là quyền của phụ nữ và quyền đó cần được công nhận một cách đầy đủ, bất kể cô ấy đã kết hôn hay chưa".
Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho biết, họ đang nghiên cứu thêm các biện pháp để thúc đẩy văn hóa gia đình bền vững và tăng tỷ lệ sinh của quốc gia này.