Bước đi quyết liệt này sẽ khiến tỷ giá hối đoái thay đổi từ 365 peso/USD xuống còn 800 peso/USD. Biện pháp được triển khai chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Javier Milei bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Milei cam kết sẽ bỏ đồng peso và thay bằng đồng đô la Mỹ, để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo.
Đồng peso được hỗ trợ một cách giả tạo trong nhiều năm qua bằng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và giá trị của nó trong năm nay đã giảm khoảng 52% so với đô la Mỹ.
Trong những năm gần đây, Ngân hàng Trung ương Argentina in thêm tiền để giúp chính phủ tránh vỡ nợ. Biện pháp đó khiến giá cả hàng hóa tăng vọt.
Quyết định đánh tụt giá đồng nội tệ là bước đầu tiên trong hàng loạt biện pháp nhằm xử lý tình trạng siêu lạm phát. Tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Argentina tăng lãi suất cơ bản lên tới 133%.
Khi thông báo chính sách mới, Bộ trưởng Caputo nhắc lại chủ đề trong chiến dịch của ông Milei rằng Argentina đang trong tình trạng “không có tiền”. Ông cũng thông báo nhiều biện pháp khác, bao gồm cắt giảm các dự án công cộng mới, không gia hạn hợp đồng lao động đã có hiệu lực hơn một năm, giảm trợ cấp nhiên liệu và chi phí vận tải .
Về các công trình công cộng, ông Caputo nói rằng chính phủ “không có tiền để trả cho những công trình thường rơi vào túi các chính trị gia và doanh nhân”.
Sau thông báo của ông Caputo, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết họ ủng hộ các sáng kiến mới.
Dù ông Caputo chưa đề cập đến bất kỳ kế hoạch nào nhằm loại bỏ đồng peso, nhưng việc đô la hóa nền kinh tế sẽ đòi hỏi quốc gia Nam Mỹ này phải đổi tất cả đồng peso mà người dân và doanh nghiệp nắm giữ sang đô la Mỹ, đồng thời ấn định giá trị tính bằng đô la cho tất cả tài sản và hợp đồng.
Điều đó sẽ đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả giữa Ngân hàng Trung ương Argentina và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nếu làm điều đó, Argentina sẽ phải xử lý hàng loạt thách thức, quan trọng nhất là việc nước này hiện nay không có đủ đô la Mỹ để loại bỏ đồng peso. Chỉ riêng việc đổi tiền khó cứu được đất nước khỏi khủng hoảng kinh tế.
Dù một số quốc gia như Ecuador, El Salvador và Panama đã áp dụng biện pháp này, nhưng không quốc gia nào có quy mô lớn như Argentina.
Từ khi nhậm chức, ông Milei đã gặp các quan chức hàng đầu của Mỹ, trong khi nhóm hoạch định kinh tế của ông làm việc với IMF về việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của đất nước và phục hồi nền kinh tế.