“Ðỏ mắt” tìm sách
Chị Quỳnh Thi (quận Gò Vấp) có con vào lớp 10 Trường THPT Phú Nhuận không hết lời than khổ khi đi tìm mua sách cho con. “Nếu tính số nhà sách thì tôi đã đi trên chục nơi, còn số lần ghé nhà sách tìm mua sách cho con thì cũng vài chục lần, nhưng đến nay vẫn chưa đủ”, chị Thi cho hay.
Theo chị Thi, giữa tháng 8, nhà trường gửi danh mục sách giáo khoa (SGK), sách chuyên đề để phụ huynh chuẩn bị cho con. “Ngay sau khi có danh mục, tôi cùng con đi khoảng hai, ba nhà sách thì mua đủ bộ SGK nhưng còn bốn đến năm cuốn sách chuyên đề gồm Chuyên đề học tập Toán 10, Chuyên đề học tập Lý 10, Chuyên đề học tập Hoá 10 và bài tập tiếng Anh lớp 10 của Nhà xuất bản Chân trời sáng tạo… thì tìm khắp không có”, chị Thi kể.
Chị Thi cho biết, thời điểm đó do con chưa chính thức học nên chị cũng lờ đi khoảng chục ngày cho đến khi con tựu trường, rồi khai giảng thì cứ ba, bốn ngày chị lại chạy một vòng quanh các nhà sách trên địa bàn để tìm nhưng mãi không có. Thậm chí, chị Thi còn nhờ một vài người bạn ở các tỉnh gần TPHCM tìm giúp nhưng ai cũng bó tay. Việc này không chỉ diễn ra với con chị mà phần lớn các bạn trong lớp cũng thiếu các cuốn sách chuyên đề.
“Đến tối ngày 7/9, lần này đi xa hơn, tôi tiếp tục rảo một vòng đến khoảng bốn, năm nhà sách từ quận 1 sang quận 5 và tìm được 1 cuốn sách chuyên đề trong số các cuốn đang thiếu nhưng lại của Nhà xuất bản Cánh Diều nên đành tay không ra về”, chị Thi kể và than, mua một cuốn sách có mười mấy nghìn mà tiền xăng, tiền công gấp cả chục lần, rất mệt mỏi.
Ngày 8/9, qua giới thiệu của một số phụ huynh khác cũng vất vả tìm sách cho con như chị, chị gọi đến các nhà sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) thì tìm được hai cuốn sách Chuyên đề Hóa và Lý, riêng cuốn Chuyên đề Toán thì vẫn chưa mua được.
Tương tự, anh Trung có con năm học lớp 6 ở quận Tân Bình cũng than trời vì phải đi năm, bảy nhà sách mới mua được đủ bộ cho con. Anh Trung cho hay, SGK mua khá dễ nhưng một số cuốn sách bài tập thì rất khó tìm mua. “Sau năm lần, bảy lượt đến các nhà sách lớn, tôi được các phụ huynh mách nước vào các nhà sách nhỏ, tạp hóa có khi có và may mắn, đi hai, ba chỗ thì tìm được sách cho con” anh Trung kể.
Tại Hà Nội, thời điểm này, học sinh đã bước vào năm học mới nhưng một số phụ huynh cho biết, vẫn “mướt mồ hôi” tìm sách giáo khoa, trong khi đó các nhà sách thông báo hết hàng.
Có con năm nay học lớp 10, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, do từ đầu chủ quan không đăng ký mua sách ở trường nên rất vất vả đi tìm mua trọn bộ sách. Trước khai giảng đến nay, chị Hà đã “5 lần 7 lượt” đi đến các nhà sách để tìm đủ danh mục sách giáo khoa nhà trường thông báo nhưng đến giờ này vẫn thiếu vài cuốn. Một phụ huynh khác, có con học ở trường này chia sẻ, dù đã đặt sách ở trường nhưng đến nay vẫn chờ thêm vài cuốn mới đủ bộ.
Chị Trần Thị Dương ở Đại Kim, Hà Nội cho hay đã đăng ký mua trọn bộ sách lớp 5 ở trường tiểu học cho con tuy nhiên, vào năm học mới, cô giáo thông báo mua thêm một vài cuốn sách tham khảo nhưng chị đã chạy đến 3 nhà sách đều nhận được thông báo: “Hết hàng”.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên thông tin, đầu năm học, nhà trường sẽ thông báo danh mục sách giáo khoa và giá tiền. Phụ huynh có nhu cầu đăng ký, nhà trường sẽ đăng ký với đơn vị cung ứng hoặc họ tự mua.
Bà Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) chia sẻ, do từ năm học 2022-2023 từ lớp 10 sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới nên nhà trường đã dự kiến số lượng để đặt hàng từ rất sớm. Có như vậy, học sinh đăng ký mua mới đầy đủ, không bị thiếu sách. Không riêng sách lớp 10 mà sách lớp 11, 12 cũng vậy, nhà trường cho học sinh tự nguyện đăng ký để đặt mua sớm. “Năm nay, riêng trường lựa chọn tới 3 bộ sách của 3 nhà xuất bản khác nhau do đó nếu phụ huynh tự mua sẽ phải đi tìm ở các nhà sách mới đủ bộ”, bà Hậu nói.
Sách tự chọn không có sẵn
Theo tìm hiểu của PV, việc thiếu sách, nhất là một số loại sách chuyên đề, bài tập, tự chọn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn TPHCM.
Ngày 8/9, trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện của NXB GDVN thừa nhận có thiếu một số loại sách chuyên đề, bài tập nhưng chỉ rải rác một số nơi. Theo vị đại diện này, việc thiếu các loại sách này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, năm học mới hiện đã bắt đầu, hầu hết học sinh đã có sách để học nên các nhà sách, cửa hàng không nhập thêm sách mới, dẫn đến một số loại sách bị thiếu nên phụ huynh phải vất vả đi tìm. Thứ hai, do thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi trường, mỗi địa phương chọn một bộ sách riêng nên có một số sách chuyên đề, sách tự chọn không có sẵn mà phải in riêng. Vị đại diện cũng cho biết, sẽ cố gắng cung ứng đủ sách cho học sinh trong những ngày tới.
Theo đại diện nhà sách Tiền Phong, từ trước và sau khai giảng năm học mới vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa tại tất cả các cơ sở nhà sách ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá… Phụ huynh vật vã tìm kiếm sách, các đơn vị phải đảo liên tục giữa các cơ sở vẫn không đáp ứng được nhu cầu. “Sách giáo khoa, sách tham khảo, bài tập thiếu ở một số môn, đặc biệt là đối với các lớp năm nay thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 3, lớp 6,7, lớp 10 hoặc các lớp năm sau sẽ thay sách như lớp 4, lớp 8, lớp 11. Ở các lớp chuẩn bị thay sách, đơn vị cung ứng cũng sẽ sợ tồn kho nên in cầm chừng”, vị này nói.
Về nguyên nhân, đại diện nhà sách Tiền Phong cho biết, sở dĩ sách khan hiếm là do đơn vị cung ứng nhỏ giọt, các đại lý bán hàng rất bị động. Phương thức cung ứng hiện nay là nhà xuất bản làm việc trực tiếp với các nhà trường để học sinh đăng ký đúng số lượng. Với sách giáo khoa chương trình mới, các nhà trường cũng có nhiều đầu sách của các nhà xuất bản khác nhau. “Do đó, các đại lý cũng sẽ rất bị động về nguồn cung lẫn nhu cầu của khách hàng. Nhiều phụ huynh phải chạy ngược chạy xuôi, quay đi trở lại nhà sách nhiều lần mới mua đủ bộ sách cho con rất vất vả”, đại diện Nhà sách Tiền Phong nói.