Ngày Tết nhà nào cũng chuẩn bị sẵn vài cặp bánh chưng và lọ dưa hành muối. Thiếu 2 món này là thiếu hẳn hương vị Tết. Bánh chưng thơm ngon ai cũng thích ăn, dưa hành giúp giải ngấy cho những món Tết nhiều dầu mỡ như thịt đông, nem rán... Tuy vậy có một số lưu ý các mẹ bầu cần nhớ khi ăn bánh chưng, dưa hành để đảm bảo an toàn cho thai nhi cũng như bản thân.
Bà bầu có tiền sử tiền sản giật cần kiêng 2 món này
Theo các bác sĩ, bánh chưng được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ. Đây là thực phẩm chứa nhiều năng lượng, các mẹ bầu ăn nhiều dễ dẫn đến đầy bụng, khó tiêu. Dưa hành khi ăn nhiều cũng gây phù và tăng huyết áp cho sản phụ.
Chính vì thế, những sản phụ có có tiền sử tiền sản giật nên tránh 2 món này để đảm an toàn cho sức khỏe. Thêm vào đó, những bà bầu có tiền sử viêm loét dạ dày, hệ tiêu hóa kém, tốt nhất không nên ăn dưa muối vì món này có nhiều chất chua, khi ăn khiến dạ dày tiết dịch vị làm đau dạ dày.
Không nên ăn quá nhiều
Tốt nhất, các mẹ bầu chỉ nên ăn bánh chưng và dưa hành ở mức độ vừa đủ, không nên ăn cho no, đặc biệt là bữa tối. Những thai phụ bị béo phì, cao huyết áp nên tránh ăn 2 món này. Các mẹ nên ăn nhẹ 2 món này thay vì coi là món ăn chính.
Không ăn bánh chưng mốc
Các mẹ bầu nên tránh ăn bánh chưng để trên 1 tuần, thời gian để càng lâu nguy cơ xảy ra nấm mốc càng cao. Dù cắt bỏ phần nấm mốc đi nhưng độc tố bên trong vẫn còn, khi ăn có thể gây ngộ độc, tiêu chảy... điều này vô cùng nguy hiểm cho cả thai nhi và sản phụ. Khi mua bánh chưng, dưa hành bên ngoài nên chọn những cửa tiệm uy tín, chế biến sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những lưu ý ăn uống dành cho mẹ bầu dịp Tết:
- Uống nhiều nước, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả để giảm nguy cơ táo bón dịp Tết.
- Những mẹ bầu bị cao huyết áp nên tránh ăn những món tẩm ướp nhiều gia vị.
- Tránh ăn những đồ tái như nem chua, thịt chua, tiết canh... và rau sống chưa rửa sạch để phòng tránh ngộ độc và nhiễm giun sán.
- Các mẹ bầu cũng nên tránh những món ăn chiên rán nhiều dầu mỡ vì gia tăng triệu chứng ốm nghén, buồn nôn.