Virus cúm A khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật, nhất là khi bà bầu bị cúm trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ. Sốt cao kết hợp với độc tính của virus cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (32 tuổi) bị cúm khi mang thai được 7 tuần. Chị Ngọc có triệu chứng ho, nghẹt mũi, sốt, đau đầu và mệt mỏi. Tuy nhiên, chị Ngọc chủ quan cho rằng mình chỉ bị cảm cúm thông thường nên đã tự mua thuốc tại quầy thuốc để điều trị tại nhà. Đến ngày thứ 8 kể từ khi bị cúm, chị thấy ra máu bất thường liền đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ cho biết chị Ngọc bị sảy thai do biến chứng của virus cúm A.
Bác sĩ cũng lưu ý, thai phụ bị cúm có thể dẫn đến những dị tật bẩm sinh ở thai nhi như hở hàm ếch, hở van tim, một số khiếm khuyết trên cơ thể. Vì não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ trong 5 tháng đầu nên rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ cũng có khả năng xảy ra.
Theo bác sĩ Lê Huy Tuấn, Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là H5N1, H1N1, H3N2, H7N9, trong đó, chủng H7N9 và H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh. Cúm A thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch vì virus cúm A thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác.
Cúm A có thể lây lan sang người khác thông qua dịch tiết đường hô hấp có chứa virus cúm từ khoảng cách xa 2m. Virus cúm A phát tán chủ yếu bởi các phân tử nước khi người bệnh hắt hơi, ho, những giọt nước bắn vào không khí, sau đó vô tình rơi vào miệng, mũi của những người xung quanh. Ngoài ra, khi người bệnh ho, hắt hơi, giọt bắn chứa virus có thể bám vào bề mặt các đồ vật và tồn tại đến 48 giờ, khi đó người khác chạm vào các đồ vật đó sẽ bị lây bệnh.
Bác sĩ Lê Huy Tuấn cho biết, ai cũng có thể mắc cúm A, tuy nhiên phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ mắc cúm A cao hơn. Bà bầu bị cúm A có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm và nguy cơ đối với cả mẹ và thai nhi, do đó tuyệt đối không được chủ quan, coi thường triệu chứng nhẹ mà không có biện pháp cải thiện hoặc đi khám.
"Ngay khi có dấu hiệu của cúm A, bà bầu cần chủ động đi khám ngay để các bác sĩ kiểm tra tình hình sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, đồng thời đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra sau này", bác sĩ Lê Huy Tuấn lưu ý.
Trong trường hợp cúm nhẹ và được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà, bà bầu phải nghỉ ngơi, tránh làm những công việc quá sức. Đồng thời uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước do sốt. Ăn uống nhiều, đủ chất, bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin C và kẽm để tăng cường miễn dịch. Sử dụng nước muối nhỏ mũi và thuốc xịt hàng ngày để làm sạch mũi và làm dịu mô mũi bị viêm.
Nếu điều trị tại nhà không hiệu quả, bệnh không thuyên giảm hoặc nặng hơn, bà bầu cần đến cơ sở y tế để theo dõi và tiếp nhận điều trị. Trong quá trình điều trị, người bệnh phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc, uống thuốc.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Huy Tuấn, bà bầu nên phòng tránh, ngăn ngừa bị cúm A chứ không nên chủ quan để nhiễm cúm A mới điều trị. Cách tốt nhất là tiêm vaccine ngừa cúm từ khi có ý định mang thai, khi đang mang thai thì không nên tiêm vaccine này.
Để phòng nhiễm cúm A, phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc với người bị cúm hoặc nghi ngờ cúm. Không tiếp xúc với gia cầm tươi sống, không đến những nơi đông người, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Cùng với đó, nên ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C, uống nhiều nước lọc để làm loãng đờm và thải độc tố. Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, lau dọn, khử khuẩn các đồ dùng trong nhà đều đặn bằng chất tẩy rửa thông thường. Hạn chế ra ngoài trời khi mưa, nắng thất thường khiến cơ thể bị ốm, khả năng virus xâm nhập cao hơn.