Hạnh phúc!
Trước khi lớp học bắt đầu, bà Ba cho các em học sinh xếp hàng ngay ngắn, sau đó gọi tên từng em để điểm danh. Những em vắng mặt, bà hỏi thăm để biết lí do và nhắc nhở các em khác cố gắng đi học đều đặn. Điểm danh xong, các em học sinh đọc 5 điều Bác Hồ dạy để tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng hơn nữa trở thành những công dân tốt trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Xong các "thủ tục", các em ngồi ngay ngắn vào những chiếc bàn nhựa, ăn bữa cơm chiều sau đó mới vào giờ học.
Trong số 24 học sinh rải đều từ lớp 1 đến lớp 5 có rất nhiều em đã 17, 18 tuổi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đến trường, không biết con chữ. Sau một thời gian theo lớp học tình thương, từ một chữ bẻ đôi không biết, các em đã có thể đọc trơn tru.
Em Doãn Thị Yến Nhi (18 tuổi) chia sẻ, ba mẹ li dị, giao em cho bà nội nuôi dưỡng. Để có tiền ăn uống, thuê trọ, hai bà cháu nấu xôi đem ra chợ bán. Thấy các bạn cùng tuổi được đi học, Yến Nhi chỉ thầm ước ao. Nay ước mơ thành hiện thực khi được bà Ba gọi đi học và dạy cho từng nét chữ đầu đời, Yến Nhi xúc động lắm.
“Mặc dù lúc đầu rất là khó khăn để có thể viết được những nét chữ đẹp nhưng nhờ cô Ba chỉ những lỗi sai, cầm tay nắn nót từng chữ nên giờ con đã viết được, đọc thành thạo. Thật sự để đi được đến đây cô Ba rất mệt nên con mong có nhiều người giúp cô, thay cô dạy học cho các em”, em Nhi nói.
Dẫu biết rằng việc lo cho con ăn, học là trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ, thế nhưng do hoàn cảnh khó khăn nhiều phụ huynh chỉ có thể cho con đi học ở trường chứ không có khả năng cho học thêm. Do đó, khi được bà Ba gợi ý nhiều phụ huynh đã tìm đến gửi con đến học kèm để các con vững kiến thức.
Chị Lý Tố Hồng, phụ huynh của bé Huỳnh Thị Trâm Anh năm nay lên lớp 5 cho biết, bà Ba tận tình với học sinh. Không chỉ dạy kiến thức bà còn dạy các con cách đối nhân xử thế:
“Nào giờ con học trên đây tôi thấy yên tâm. Tôi thấy bà rất tận tình, lo cho các bé. Con tôi học ở đây thấy cháu cũng cố gắng, chịu khó học, rèn chữ viết đẹp”, chị Hồng cho biết.
Còn sức còn dạy
Trải lòng về bản thân, bà Ba kể, sau khi tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn vào năm 1968, bà được phân công về dạy ở trường Tiểu học Tương Bình Hiệp, tỉnh Bình Dương cho đến năm 2003 thì về hưu. Khi ba mẹ qua đời, bà đi dạy thêm, rồi bán vé số. Trong lúc đi bán, bà thấy nhiều em nhỏ thất học, phải phụ ba mẹ kiếm tiền nên đã xin dạy ở lớp học tình thương phường Phú Cường. Bà tìm gặp gia đình các em vận động cho con đi học.
Sáng bán vé số, tối đi dạy, bà Ba duy trì hành trình ấy từ tháng 4/2016 đến nay và vô cùng hãnh diện. Từng là giáo viên nên bà Ba cũng không gặp khó khăn trong việc dạy cho các em biết đọc, biết viết. Bà Ba tâm sự:
“Tôi quyết tâm dạy cho các em biết chữ để các em có cuộc sống tốt hơn. Học xong lớp 5, các em cũng 17, 18 tuổi và khi nghỉ học có thể đi làm công nhân và viết được lí lịch bản thân", bà Ba nói.
Không chỉ dạy học miễn phí, mỗi tháng bà Ba còn trích 2 triệu đồng tiền bán vé số để mua gạo, đường, sữa và sách, bút để làm quà cho học sinh của mình. Tiếng lành đồn xa, biết đến lớp học tình thương của bà Ba, nhiều mạnh thường quân thường nấu bún, nấu cơm mang đến cho các em ăn lót dạ sau một ngày lao động.
Bạn Nguyễn Thu Hương, sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một, một trong những nhà hảo tâm tâm sự: “Em rất cảm ơn, khâm phục bà Ba vì có những người như bà thì các bé mới biết đến con chữ. Mong rằng thế hệ trẻ như tụi em có thể tiếp nối bà để làm những điều có ích cho đời”.
Nói về bà giáo Nguyễn Thị Ba, anh Phạm Minh Cường, Phó bí thư Đoàn phường Phú Cường chia sẻ, bà là người chịu thương, chịu khó để đem con chữ cho các em. Hiện nay, bà cũng lớn tuổi nên Đoàn phường cũng đang tìm thêm giáo viên phụ đứng lớp, đồng thời vận động chăm lo để các em có được tuổi thơ như các bạn đồng trang lứa.
“Đoàn phường vận động mạnh thường quân hỗ trợ ăn buổi chiều cho các em, tập vở, bút viết. Bên cạnh đó vào những ngày lễ, tết, ngày dành cho thiếu nhi thì Đoàn phường vận động mạnh thường quân hỗ trợ một phần nào đó cho các em có những hoạt động vui chơi”, anh Cường cho biết.
19h, lớp học kết thúc cũng là lúc bà Ba đi bộ về nhà trọ cách đó 3km. Trên đường đi, bà tranh thủ mời khách mua vé số và khi về đến nhà lại tiếp tục soạn giáo án, chấm bài cho học sinh. Dù sống một mình nhưng bà không cảm thấy buồn vì còn có học trò, vì thấy các em trưởng thành, đó cũng là động lực để bà quyết tâm gắn bó với lớp học tình thương, gieo chữ cho đến khi nào không còn sức./.