Những nét chữ đầu tiên của các em luôn có sự hướng dẫn tận tình của bà Hai
Bà Hai tên thật là Nguyễn Thị Anh, năm nay đã gần 80 tuổi, người vẫn cần mẫn gần chục năm nay mang kiến thức đến với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Trời chập choạng tối, bà giáo già lại tay xách nách mang đủ thứ tập vở đi bộ tới Trường tiểu học Bình Tiên (quận 6, TP.HCM) để dạy học.
Chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, bà Hai trở thành người "đưa đò" đặc biệt của những số phận kém may mắn.
Bằng tất cả tình yêu thương và tận tâm của mình, bà đã mang đến con chữ cho những đứa trẻ không đủ khả năng đến trường vì hoàn cảnh gia đình.
Những đứa trẻ trong lớp học của bà hầu hết đều là dân tỉnh lẻ theo bố mẹ lên TP.HCM sinh sống. Ban ngày các em phải phụ cha mẹ bán hàng, giữ em, làm việc nhà, có em thì đi bán vé số để mưu sinh...
Bà Hai cho biết từ những ngày đầu, lớp học của bà luôn duy trì từ 20 đến 30 học trò và dạy xuyên suốt cả tuần. Thế nhưng sau này do tuổi cao sức yếu nên bà chỉ dạy vào tối thứ ba, thứ tư và thứ năm mỗi tuần từ 18h đến 20h. Tuổi già, nhiều đêm mất ngủ, bà Anh lại trằn trọc suy nghĩ phải làm gì để giúp đỡ các em.
Bằng tình yêu thương và sự nhẫn nại, bà đã giúp nhiều em có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ biết đọc, biết viết và biết làm những phép tính giản đơn. Niềm vui mỗi ngày của bà là được thấy nụ cười, sự tiến bộ và trưởng thành của từng em.
Bà tâm sự bản thân chỉ là que diêm thắp lên những hy vọng cho học sinh nghèo và hy vọng sẽ có một bó đuốc lớn soi sáng con đường các em.
Minh Thuận, 8 tuổi (ba làm thợ sơn, má buôn bán nhỏ), hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không có điều kiện đi học. Từ ngày được bà Hai dạy, đến nay em đã biết đọc biết viết
Bà giáo Nguyễn Thị Anh vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật
Bà giáo Hai đến lớp vào mỗi tối để dạy học
Ngày đầu tiên đến lớp, bé Trâm được bà tặng sách vở để bắt đầu với con chữ
Đều đặn cứ đúng 18h là bà Hai có mặt trên bục giảng từ nhiều năm nay
Ban giám hiệu Trường tiểu học Bình Tiên (quận 6, TP.HCM) tạo mọi điều kiện cho bà Hai “đưa đò” cho trẻ khó khăn
Lớp học không đồng đều nên bà Hai kèm từng học sinh