Gần nhà tôi có một nhân vật rất đặc biệt, đó là 1 bà cô 50 tuổi với bộ óc minh mẫn, không mắc bất kỳ vấn đề gì về tâm lý nhưng không hiểu sao bà ta sử dụng hết dung lượng thông minh của mình vào việc phán xét, đánh giá, xoi mói, tọc mạch chuyện của hàng xóm.

Cứ đúng 6 giờ sáng, khi ông mặt trời còn đang mải miết “like” hình ảnh đêm tối trên Instagram, thì bà cô của chúng tôi, với bộ đồ ngủ đa màu sắc, đã nhanh nhẹn vác ghế ra trước cửa như một cử chỉ tôn sùng ngày mới.

Bà Oanh - hung thần của cả tổ dân phố nhà tôi. Trong khi mẹ tôi 55 tuổi vẫn đều đặn ngày nào cũng dậy sớm ra cửa hàng lao động có giá trị cho xã hội thì bà Oanh sáng nào cũng dậy sớm để đi khẩu nghiệp bằng cách ngồi xoi mói người khác ăn mặc như thế nào.

Bà Oanh ngồi đó, mắt sáng long lanh, không bỏ lỡ bất kì một chi tiết nhỏ nào từ những người hàng xóm lao mình ra đường kiếm sống. Dường như bà có một khả năng đặc biệt, có thể đoán được tính cách và cuộc đời của người qua đường chỉ bằng cách nhìn vào cách họ ăn mặc. Tôi, trên đường đến công ty, cũng không tránh khỏi “tia lazer” phán xét của bà. Từ áo sơ mi, quần âu đến cả đôi giày tôi đi, đều trở thành đề tài cho những buổi “họp báo” không lương sáng sớm của bà.

Tôi mặc váy thì bà Oanh kêu là "õng à õng ẹo", tôi mặc quần thì bà chê "con gái gì tướng tá như đàn ông". Hôm nào tôi đi cao gót thì bà bĩu môi "đi làm mà như đi diễn thời trang", còn bữa nào đi nhầm dép đi trong nhà thì biến ngay thành "luộm thuộm hỏi sao ế"...

Phải nói là, mỗi buổi sáng đi làm của tôi giờ đã biến thành một cuộc thử nghiệm thời trang không mong muốn. Bà Oanh không chỉ nhận xét, mà còn xoi mói đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đôi khi còn có cảm giác, bà không phải một người hàng xóm, mà là một nhà phê bình thời trang khó tính mà tôi vô tình nhận lời làm người mẫu không công.

Những lời nhận xét của bà, đôi khi cay nghiệt mà còn xúc phạm người khác cơ. Khu nhà tôi toàn người lành mà cũng chẳng muốn chấp nên bà ta càng được thể làm tới. Mọi người đi qua nhà bà, không ai là không trở thành nạn nhân, có vài người nói lại thì bà Oanh vào vai nạn nhân ngay được, bà chối đây đẩy rằng bà nói mây nói gió chứ có nhắc đến tên ai đâu. Gặp phải người nào làm căng hơn thì bà lăn đùng ngã ngửa ra ăn vạ, ầm ĩ đến nỗi có lần công an phường phải xuống để giải quyết. Nhiều lần như thế thành ra mọi người lờ đi, không thèm để vào đầu làm gì.

Nhưng rồi có 1 lần tôi mặc 1 chiếc quần tất giấy hơi lấp lánh và diện bộ váy khá nổi bật để đi dự tiệc của công ty, vừa thấy tôi bà Oanh bắt đầu ngứa mồm, bà liên thiên một hồi thì lại lôi bố mẹ tôi vào, bảo là bố mẹ tôi không biết dạy con, con nhà đàng hoàng chả ai mặc như thế. Bình thường bà ta muốn nói trời nói biển gì tôi kệ nhưng động vào bố mẹ tôi thì tôi "combat" luôn!

Bà hàng xóm sáng nào cũng vác ghế ra ngồi trước cửa để xoi mói cả thiên hạ, hôm nay chê tôi õng ẹo, ngày mai đã nói tôi tướng tá như đàn ông nên ế- Ảnh 1.

Bị tôi nói cho không ra gì thì bà ta lại giở trò cũ, lăn đùng ra giãy đành đạch lên ăn vạ. Tôi nhìn xong cũng chán, chả thèm giao tiếp thêm với cái thể loại người kì cục này nữa.

Về nhà tôi kể cho bố nghe vì ức quá không biết xả vào đâu. Thế là như một diễn viên hài chính hiệu, bố tôi đã quyết định “nhập cuộc”. Trái với hình ảnh lịch lãm thường ngày, bố tôi chọn cách đối phó cực kỳ độc đáo. Sáng nào bố cũng vác ghế ra ngồi cạnh bà Oanh, với vẻ mặt nghiêm nghị và thần thái “không mấy thân thiện”. Bố tôi ngồi đó, không một lời nói nhưng cứ hễ ai đi qua là bố tôi lại cười nói vui vẻ với người ta, khu này mọi người ai cũng quý bố tôi vì ông là nhà giáo nghỉ hưu, đứa trẻ con nào không hiểu bài toàn vác sách vở sang nhờ ông giảng cho thôi.

Ba ngày trôi qua, không biết bà cô nghĩ gì, nhưng chắc hẳn bà đã cảm nhận được sức nặng từ sự thân thiện với mọi người nhưng ghét ra mặt của bố tôi với mình. Vì bà ấy ngồi ở vỉa hè trước cửa nhà và bố tôi cũng thế nên bà ấy chẳng có quyền gì mà đuổi bố tôi đi cả. Không có cơ hội khẩu nghiệp nữa bà Oanh cũng từ bỏ thói quen mang ghế ra vỉa hè mỗi buổi. Khu phố nhà tôi tự nhiên văn minh hơn hẳn!

Và thế là, bằng hành động hùng dũng của mình, bố tôi đã giúp khu phố chúng tôi lấy lại sự bình yên mỗi sáng. Cả khu phố giờ không còn ai phải lo sợ bước qua cái mồm kinh hoàng của bà Oanh nữa.